Sự kiện giáo dụcTin tức

Đề xuất 5 trường hợp được xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Công an đề xuất 5 trường hợp được xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của công dân trong dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngày hôm qua, 8.2, Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội cũng đã họp phiên toàn thể để thẩm tra dự thảo nghị định trước khi trình ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.

Đề xuất 5 trường hợp được xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý - Ảnh 1.

Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi ban hành. NGỌC THẮNG

Nội dung quan trọng nhất của dự thảo nghị định do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là quy định việc xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ thể. Đây cũng là nội dung Chính phủ trình, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất quy định 5 trường hợp được xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu:

Thứ nhất, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

Thứ 2, việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

Thứ 3, việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.

Thứ 4, để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.

Thứ 5, phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Theo tờ trình dự thảo nghị định, Bộ Công an cho rằng, quy định như nêu trên là phù hợp thông lệ quốc tế; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần được quy định để bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm pháp luật, bảo đảm hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời không ảnh hưởng tới quyền công dân.

Cũng theo lý giải của Bộ Công an, quy định nêu trên cũng phục vụ triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính phủ điện tử, hành chính công, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, chuyển đổi số quốc gia.

Cạnh đó, nếu không quy định sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền dữ liệu, an ninh quốc gia, gây ngưng trệ một số hoạt động phát triển kinh tế xã hội, tạo ra một số khoảng trống pháp luật.

11 dữ liệu cá nhân cơ bản, 10 dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Dự thảo nghị định quy định, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Trong đó, dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm 11 loại thông tin: họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh; ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh cá nhân.

Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; tình trạng hôn nhân.

Thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái); thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng; các thông tin khác gắn liền với danh tính của công dân.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là thông tin khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân, gồm 10 loại: quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, thông tin liên quan đến nguồn gốc dân tộc.

Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân; thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân; dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật.

Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị; dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.

Dự thảo nghị định quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu, gồm: quyền được biết; quyền đồng ý; quyền truy cập; quyền rút lại sự đồng ý; quyền xóa dữ liệu; quyền hạn chế xử lý dữ liệu; quyền cung cấp dữ liệu; quyền phản đối xử lý dữ liệu; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; quyền tự bảo vệ.

 Theo Lê Hiệp/TNO

 

Bình luận (0)