“Chấp nhận cho người điều khiển phương tiện cơ giới sử dụng rượu bia có mức độ nhưng kiểm tra độ cồn trong hay ngoài phép… rất khó” – đại biểu Trương Bá Chiều đề xuất giải pháp đơn giản hóa quy định là “tẩy chay” toàn phần bia rượu.
Dự thảo luật Giao thông đường bộ sau nhiều lần chỉnh sửa, trong buổi thảo luận chiều 20/10 tại QH đã thống nhất được một số vấn đề có nhiều ý kiến trái ngược như: việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ; tăng quyền cho CSGT; huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
“Các đại biểu nam cũng góp ý cấm rượu bia”
Điều 8 trong dự thảo luật liệt kê 23 hành vi bị nghiêm cấm trên đường bộ, trong đó có điều khoản về việc sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu ý kiến nên cấm hẳn người “có hơi men” điều khiển xe gắn máy trên đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền hưởng ứng ngay. Bà Huyền còn phân tích, không nên chia ra 2 loại phương tiện như trong luật: cấm triệt để người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng uống rượu bia trước đó; cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy dùng bia rượu ở mức độ “trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg trong 100ml máu hoặc 0,25 mg trong một lít khí thở.
Theo bà Huyền, với thể trạng “nhỏ con” của người Việt, chỉ cần 50ml rượu bia cũng đủ cho cảm giác say và phương tiện cơ giới nào khi đó cũng có thể nguy hiểm ngang nhau.
Đại biểu Trương Bá Triều cùng quan điểm: “Chấp nhận mức độ sử dụng rượu bia nhất định nhưng kiểm tra nồng độ cồn trong máu hay trong khí thở rất khó. Quy định thế này nghĩa là chúng ta vẫn “gật đầu” với một bộ phận lớn người điểu khiển phương tiện cơ giới uống rượu?”.
Theo ông Triều, việc cấm hoàn toàn sẽ tốt hơn và nếu có vi phạm, việc phát hiện, kiểm tra, xử lý cũng đơn giản hơn. Không “thỏa hiệp” là chủ trương của đại biểu này.
Đại biểu Ngô Minh Hồng sau khi nêu quan điểm tán đồng việc “tẩy chay” rượu bia chốt lại: “Các đại biểu nam, những người hay dùng bia rượu hơn phụ nữ chúng tôi còn ủng hộ hướng quy định này, quốc hội nên thống nhất để áp dụng ngay”.
Không quy lỗi người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân không đồng tình với quy định tại khoản 2 Điều 20: người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn, có cài quai đúng quy cách.
Theo đại biểu Tuân, vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng mũ bảo hiểm thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước, không phải của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho rằng, quy định này khó khả thi vì ở vị trí của người dân, khó biết loại mũ nào là đúng tiêu chuẩn. Theo bà Huyền, dùng chiếc mũ không đảm bảo, người mua là nạn nhân chứ không phải “tội nhân”.
Đại biểu Phan Văn Tường còn đặt câu hỏi hóm hỉnh: “Nếu xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng thì người uống sữa hay uống rượu kém chất lượng cũng phải bị xử phạt?”.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo còn kiến nghị thêm quy định sử dụng xe máy điện cũng phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn. Ông Thảo phân tích, nhiều xe máy điện cũng thiết kế tay ga, còi, xi-nhan… không khác gì xe máy, tốc độ có khi tới 50km/h, nhiều khả năng gây tai nạn nguy hiểm khi tham gia giao thông.
P.Thảo (dantri.com.vn)
Bình luận (0)