Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đề xuất chuyển đổi huyện thành quận: Đáp ứng yêu cầu phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình lên UBND TPHCM, đề xuất trong giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM. Thực tế, người dân ở các huyện đang rất mong chờ được “lên quận” để đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao.

Khắc phục những tiêu chí chưa đạt
Huyện Hóc Môn được đánh giá đã đạt 30/30 tiêu chí. Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên khẳng định, về tổng thể, huyện có đủ điều kiện để lên quận. Một tiền đề quan trọng là thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, chỉnh trang đô thị ở huyện được quan tâm thực hiện, góp phần giải quyết vấn đề giao thông, chống ngập. Điều này đã làm diện mạo địa phương thay đổi rõ rệt, ngày càng khang trang hơn và góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Song, kết quả đạt 30/30 chỉ tiêu là đánh giá bước đầu.
Một khu dân cư của huyện Nhà Bè, TPHCM được đầu tư khang trang.
Do đó, huyện Hóc Môn sẽ phối hợp rà soát, đánh giá đúng, chính xác thực trạng của huyện, xã – thị trấn theo tiêu chuẩn của quận. Từ đó, huyện thực hiện các giải pháp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội của huyện để đạt các tiêu chí khi lên quận. 
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết, huyện đã rà soát, thống kê các tiêu chí đạt, chưa đạt và đang xây dựng chương trình cụ thể để phát triển từ huyện lên quận. Chương trình này tích hợp nhiều chương trình phát triển lớn của huyện, đặc biệt là chương trình phát triển đô thị.
“Huyện còn phải phấn đấu rất nhiều”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết. Theo đánh giá sơ bộ, huyện Nhà Bè đạt 23/30 tiêu chí. Tại huyện Bình Chánh, số hộ nghèo và thu nhập là những yếu tố huyện đang nỗ lực khắc phục.
Để người dân thực sự hưởng lợi
Đề cập đến những lợi ích mang lại khi lên quận, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn khẳng định, khi huyện lên quận thì trước tiên là đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân cũng như giải quyết nhu cầu phát triển của huyện.
“Việc lên quận nhằm phát huy tốt nhất các tiềm năng của địa phương, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên phân tích.
Cụ thể, nếu duy trì là huyện thì trong cơ cấu phát triển, đất nông nghiệp sẽ chiếm tỷ lệ lớn. Song, nếu huyện phát triển lên quận thì có nhiều điều kiện khai thác nguồn lực đất đai, do được phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở đô thị. Thông qua đó, huyện có điều kiện thu hút phát triển thương mại, dịch vụ được tốt hơn. Bản thân người dân cũng được hưởng lợi từ quá trình này, khi đất đai của người dân được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, hoặc đất sản xuất thương mại, dịch vụ…
Đồng thời, khi lên quận, các tiêu chí về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng phải đảm bảo, là đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.
Dù vậy, lên quận là một quá trình dài. Ông Huỳnh Văn Cường (73 tuổi, ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) bày tỏ, huyện Bình Chánh quá rộng, bên cạnh những nơi phát triển đô thị mạnh mẽ, ở huyện vẫn còn rất nhiều xóm ấp thực sự là nông thôn.
“Giao thông còn khó khăn, thu nhập người dân chưa cao, việc làm chưa ổn định. Để lên quận thì còn phải làm rất nhiều thứ”, ông Huỳnh Văn Cường phân tích, đồng thời bày tỏ mong muốn kế hoạch chuyển huyện Bình Chánh thành quận sớm được triển khai để người dân được hưởng các chính sách tốt hơn, đời sống được nâng cao hơn. 
Chia sẻ với ý kiến trên, TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng, hạ tầng các huyện vùng ven TPHCM chưa được đầu tư đúng mức là thiệt thòi của người dân trong những năm qua. Đất canh tác nông nghiệp hiệu quả kinh tế không cao nên người dân có xu hướng không khai thác nông nghiệp. Trong khi đó, hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ nên khó chuyển đổi khai thác sang mục đích khác. Tốc độ đô thị hóa những năm gần đây khá cao, nhưng chủ yếu là tự phát. Có thời điểm tình trạng phân lô bán nền tự phát diễn ra rất sôi động. Do vậy, việc chuyển đổi các huyện vùng ven thành quận là một yêu cầu bức thiết, phù hợp với xu thế chung.
Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định cụ thể cách phân loại, tính điểm đơn vị hành chính quận. Các huyện tại TPHCM đều đạt các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế – xã hội… Tuy nhiên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng thì một số huyện chưa đạt. Theo TS Huỳnh Thanh Điền, do ngân sách có hạn nên cần xã hội hóa phát triển hạ tầng thông qua các dự án hợp tác công tư.
 

PV (theo SGGP)

Bình luận (0)