Trưởng phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM đề xuất đưa 2 tiết tiếng Anh tăng cường ở khối 1, 2 theo hình thức thành phố chia sẻ với phụ huynh và quy đổi thành tiết nghĩa vụ cho giáo viên, để hài hòa về đội ngũ ở các trường dôi dư giáo viên tiếng Anh, đáp ứng mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.
Trưởng phòng GD-ĐT quận này cho hay, hiện nay khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, tiếng Anh là môn học bắt buộc ở các khối lớp 3, 4, 5 với thời lượng 4 tiết/tuần mỗi khối. Riêng khối 1, 2 sẽ học tiếng Anh tự chọn, với thời lượng 2 tiết/tuần – 2 tiết này thì phụ huynh học sinh không phải đóng chi phí.
Tại TP.HCM, khi triển khai dạy tiếng Anh tăng cường khối 1, 2 thì được triển khai thêm thời lượng tối đa 6 tiết/tuần. 6 tiết này được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia tự nguyện của học sinh.
“Trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị mà tại một số trường tiểu học hiện lại phát sinh dôi dư giáo viên tiếng Anh do chuyển giao giữa Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 tôi đề xuất ở những trường này được tăng thêm 2 tiết tiếng Anh tăng cường ở khối 1, 2 mà không thu phí của phụ huynh học sinh để vừa tăng thêm tiết nghĩa vụ cho thầy cô, vừa thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học…” – vị trưởng phòng GD-ĐT này đề xuất.
Ông phân tích: Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học thì việc dạy tiếng Anh cần phải kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa song song nâng cao chất lượng giảng dạy ở trong nhà trường. Việc xã hội hóa cần có sự chia sẻ cùng với phụ huynh học sinh. Việc tăng thêm 2 tiết tiếng Anh tăng cường không thu phí mà được quy đổi thành tiết nghĩa vụ cho giáo viên sẽ vừa hài hòa giữa đội ngũ giáo viên dôi dư ở một số trường dôi dư mà vừa chia sẻ với phụ huynh học sinh, đồng thời thực hiện hiệu quả Kết luận số 91.
Từ năm học 2024-2025, trong hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 13 của HĐND TP.HCM ở bậc tiểu học, quy định khái niệm về giáo viên tiếng Anh người Việt của trường đứng đồng giảng trong các tiết học với giáo viên nước ngoài đã không còn được đề cập.
Nói rõ hơn về quy định này, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, về nguyên tắc thì với các tiết học tiếng Anh bản ngữ được triển khai theo hình thức xã hội hóa, nhà trường phối hợp với đơn vị đối tác để cùng thực hiện giảng dạy cho học sinh theo mục tiêu mà nhà trường đặt ra, phù hợp với đặc thù đối tượng học sinh, nhu cầu của phụ huynh học sinh. Như vậy, nếu lấy giáo viên tiếng Anh của nhà trường để bố trí đứng đồng giảng với giáo viên nước ngoài và quy đổi thành tiết nghĩa vụ thì không phù hợp.
“Nhà trường phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng giảng dạy đối với các tiết học tiếng Anh bản ngữ, bắt buộc từ phía nhà trường và đơn vị đối tác phải xây dựng được kế hoạch và phương án triển khai hiệu quả. Trong đó, giáo viên tiếng Anh của trường vẫn đứng trợ giảng với giáo viên nước ngoài nhưng thù lao chi trả cho giáo viên được tính theo thỏa thuận giữa nhà trường với đơn vị đối tác, không thể lấy từ nguồn tiền ngân sách chi trả (quy đổi tiết nghĩa vụ). Nên không có chuyện giao phó hoàn toàn việc giảng dạy tiếng Anh bản ngữ ở trường tiểu học cho giáo viên nước ngoài” – vị này nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)