Những người có nhu cầu kinh doanh sẽ chấp nhận các loại phí thu với xe ô tô để công việc của họ được thuận tiện
|
Phải chứng minh được có chỗ đỗ xe trước khi mua xe, phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe, phải đóng phí môi trường, đóng lệ phí đường, phí đỗ xe để giảm bớt việc đi lại bằng xe riêng… Những quy định mới từ đề xuất của Sở GTVT TP.HCM nhằm hạn chế xe ô tô cá nhân đang khiến cho các chủ xe lẫn người có ý định mua xe lo lắng.
Lo vì quá nhiều phí
Bên cạnh đề xuất thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, theo đề xuất mới của Sở GTVT TP.HCM, công tác quản lý và hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân, một trong những giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông đang được cơ quan chức năng cân nhắc trước khi đưa vào áp dụng thực tế.
Để kiểm soát xe cá nhân, Sở GTVT kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ (đăng ký mới), thu phí môi trường (gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn…), thu phí ra vào khu vực trung tâm thành phố… Bên cạnh đó, sở cũng kiến nghị một loạt các “chế tài” gồm thuế xăng dầu, lệ phí đường, tăng phí dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội đô, hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số trục chính hoặc trên một số tuyến nhất định vào giờ cao điểm.
Riêng đối với những trường hợp mua xe mới ở khu vực nội đô thành phố, người muốn sở hữu ô tô con còn phải chứng minh có chỗ đỗ xe. Ngoài ra chủ sở hữu còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí. Đặc biệt, chủ phương tiện phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe.
Ông N.V.H giám đốc một công ty xây dựng nói rằng đề xuất có quá nhiều loại phí khiến ông cảm thấy bối rối. Ông H. cho hay ông đã sở hữu một chiếc ô tô 4 chỗ cách đây 4 năm, khi đó ông phải đóng VAT và thuế trước bạ 10%. Hiện, ông chỉ phải đóng phí đường bộ với mức phí 130.000 đồng/tháng và mua bảo hiểm xe. Thế nên những quy định của đề xuất mới đang khiến cha con ông thấy rối bời.
Việc đề xuất quá nhiều loại phí đối với xe ô tô cá nhân trên đây chắc hẳn sẽ làm cho những người có ý định mua xe ô tô phục vụ nhu cầu gia đình cân nhắc. Tuy nhiên theo anh Lê Hoàng, một chủ xe ô tô cá nhân khẳng định rằng những người có nhu cầu kinh doanh phải đi tỉnh thường xuyên bằng xe ô tô cũng sẽ chấp nhận các loại phí để công việc của họ được thuận tiện, thậm chí điều đó còn liên quan đến việc “gìn giữ hình ảnh” trước đối tác và điều đó cũng góp phần tạo uy tín để việc kinh doanh được thuận lợi.
Còn những điều chưa hợp lý
Bao lâu nay, những chủ sở hữu xe ô tô cá nhân nếu tư gia không có chỗ để xe, họ vẫn tự lo liệu bằng việc gửi ở nhà xe siêu thị, nhà dân, hoặc ở những bãi đỗ xe do tư nhân thầu mà vẫn an toàn… Thế nên nhiều người cho rằng việc phải chứng minh có chỗ đỗ xe trong trường hợp mua xe mới là điều không cần thiết, chưa kể việc này lại gây phát sinh nhiều thủ tục rườm rà làm phiền hà cho người dân. Quy định hạn chế xe cá nhân lưu thông trên một số trục chính hoặc trên một số tuyến nhất định vào giờ cao điểm, theo ý kiến của một số chủ xe là điều không hợp lý và thiếu công bằng, vì nhu cầu lưu thông của cá nhân, doanh nghiệp hoặc cơ quan, chính quyền thì ai cũng có, chưa kể việc phân định, kiểm soát lưu thông đối với các loại xe không phải là việc dễ dàng.
Bàn về vấn đề này, TS. Phạm Sanh – chuyên gia giao thông nhận định rằng hệ thống hạ tầng giao thông ở TP.HCM đang trong tình trạng quá tải, thiếu quỹ đất dành cho bãi đậu xe, nên việc hạn chế xe cá nhân vào trung tâm không có ý nghĩa thực tế. TS. Sanh dẫn giải rằng do địa bàn công sở, trường học, các trung tâm mua sắm ở nhiều địa bàn khác nhau, nên người dân có nhu cầu lưu thông cao và linh động. Vì vậy, để giải quyết tình trạng quá tải giao thông cần có sự đồng bộ về phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát tốt quy hoạch đô thị. Nhưng để thực hiện được điều này, cần có sự điều tra phân tích nhu cầu đi lại, cần một đồ án quy hoạch giao thông khoa học cùng các tiêu chuẩn và quy tắc phù hợp với người Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất hạn chế xe cá nhân cần phải có những bước khảo sát kỹ càng và dựa trên cơ sở khoa học, nhất là phải căn cứ lộ trình phát triển giao thông công cộng trong khi thành phố đang chờ tuyến metro đầu tiên hoàn thành.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 11-2014, thành phố đang quản lý tổng cộng 6.953.962 phương tiện, trong đó có 582.339 xe ô tô. Theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, dự kiến năm 2020 TP.HCM sẽ có khoảng 2,8-3 triệu xe ô tô (xe con chiếm 50%). Vì thế, Sở GTVT kiến nghị cần xem xét đưa ra hạn ngạch để hạn chế số ô tô bán ra và đi đăng ký. |
Bình luận (0)