Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề xuất mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT triển khai xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị ĐH để thay thế các thông tư hiện hành đã không còn phù hợp bối cảnh mới. Dự thảo có một số điều chỉnh và quy định mới trong đó đề xuất mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ.


Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị ĐH có nhiều điểm mới

Bộ GD-ĐT cho rằng, về cơ bản, dự thảo thông tư đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc phân công, bố trí, sử dụng giáo viên.

Quy định cũ không còn phù hợp bối cảnh mới

Bộ GD-ĐT cho biết, chế độ làm việc của giáo viên phổ thông và giáo viên dự bị ĐH hiện đang thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT.

Đây là căn cứ pháp lý để cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phân công, bố trí, sử dụng giáo viên. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, trước những thay đổi về nội dung, phương thức GD-ĐT trong bối cảnh mới, một số quy định tại 2 thông tư nói trên không còn phù hợp. Do đó, Bộ GD-ĐT triển khai xây dựng Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị ĐH để thay thế.

Vào ngày 21-6-2024, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị ĐH đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận. Dự thảo thông tư có một số điểm mới và điều chỉnh so với các thông tư hiện hành.

Cụ thể, thời gian làm việc của giáo viên được thực hiện theo năm học, được quy đổi thành tiết dạy trong 1 năm học hoặc tiết dạy trung bình trong 1 tuần để nhà trường linh hoạt trong việc phân công, bố trí giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 và thuận lợi cho việc tính tiền dạy thêm giờ. Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần để đảm bảo hiệu suất lao động của giáo viên và đảm bảo quy định về thời gian làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động.


Dự thảo bổ sung quy định đối với trường hợp giáo viên dạy liên trường

Thứ hai, dự thảo thông tư quy định thống nhất số tuần thực dạy dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong CTGDPT là 35 tuần để đảm bảo phù hợp với quy định tại CTGDPT 2018 và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về khung thời gian năm học.

Thứ ba, quy định giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên ở cấp học nào thì thực hiện định mức tiết dạy quy định đối với giáo viên ở cấp học đó. Một tiết dạy được phân công được tính bằng 1 tiết định mức để thực hiện thống nhất về định mức tiết dạy đối với giáo viên trường phổ thông có nhiều cấp học và phù hợp với xu hướng sắp xếp lại các trường phổ thông hiện nay.

Đề xuất mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ

Dự thảo cũng quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả kiêm nhiệm công việc chuyên môn; kiêm nhiệm chức vụ Đảng, đoàn thể và tổ chức khác; kiêm nhiệm vị trí việc làm khác) để đảm bảo giáo viên tập trung cho các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục. Các nhiệm vụ kiêm nhiệm nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy và không được quy đổi nhiệm vụ đó ra tiết dạy (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư Đoàn, phó bí thư Đoàn cấp trường) để tránh việc chi trả trùng chế độ, chính sách cho cùng 1 nhiệm vụ.

Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè hằng năm mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động thì giáo viên được bố trí nghỉ thêm một số ngày. Theo bộ, đề xuất này nhằm đảm bảo tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Dự thảo cũng làm rõ cách tính giảm định mức tiết dạy cho giáo viên kiêm công tác tư vấn học sinh; kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó tổ quản lý học sinh; kiêm nhiệm công tác văn thư, quản trị công sở, thư viện. Số tiết giảm cho giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được tăng lên 4 tiết/tuần như giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp THCS và THPT để đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp và thống nhất giữa các cấp học.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định giảm định mức tiết dạy trong trường hợp giáo viên dạy trực tuyến; dạy tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh dự Hội khỏe Phù Đổng, hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật, cuộc thi học sinh – sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp; làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường (các cuộc thi hoặc hội thi theo quy định của Bộ GD-ĐT).

Bổ sung trường hợp không phải dạy bù và được tính dạy đủ số tiết được phân công gồm có trường hợp giáo viên nghỉ đi khám, chữa bệnh (không vượt quá thời gian quy định) được hiệu trưởng nhà trường đồng ý và có xác nhận khám, chữa bệnh của cơ sở y tế. Bổ sung quy định đối với trường hợp giáo viên dạy liên trường.

Việt Ngân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)