Đề xuất được Sở Y tế TP.HCM kiến nghị trong báo cáo về hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trong trường học gửi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc Hội và HĐND TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động xử lý dịch tại trường học
Theo báo cáo, Sở Y tế TP.HCM đánh giá, trong thời gian tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã đảm bảo thực hiện các quy trình hợp lý trong giám sát bệnh trước khi học sinh đến trường như thực hiện kiểm tra thân nhiệt tại cổng trường, khai báo y tế qua mã QR trước cổng trường, một số trường cho học sinh khai báo trước ở nhà.
Các trường thực hiện phân luồng, bố trí đảm bảo quy tắc tránh lây nhiễm nơi đông người, hướng dẫn di chuyển cho học sinh, đảm bảo quy tắc một chiều, phân lối đi riêng cho trường hợp nghi nhiễm và nhiễm bệnh, bố trí giờ ra về lệch nhau giữa các lớp. Trường học trang bị vật dụng giúp cải thiện hành vi phòng chống dịch bệnh ở học sinh như bố trí bồn rửa tay tại khuôn viên trường với đầy đủ nước và xà phòng, có dán quy trình hướng dẫn rửa tay theo quy định, có dung dịch sát khuẩn tay nhanh ở vị trí thuận tiện: cổng trường, trước cửa lớp, khu vực tập trung khác…
Các trường thực hiện tốt công tác giám sát và theo dõi bệnh ở học sinh: có sổ theo dõi sức khỏe học sinh vắng học mỗi ngày, kịp thời ghi nhận và phát hiện các trường hợp nghi mắc COVID-19.
Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, với số ca nghi nhiễm tại trường học được ghi nhận gia tăng hiện nay, số cơ sở giáo dục trên địa bàn xã phường nhiều đã tạo áp lực công việc cho trạm y tế xã phường trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục.
Cạnh đó, một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp làm cho công tác phòng ngừa dịch bệnh tại trường học khó đảm bảo. Còn tình trạng phụ huynh học sinh thực hiện xét nghiệm tầm soát các học sinh không có triệu chứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực để xử lý những trường hợp dương tính giả.
Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc giám sát chủ động và thực hiện các quy trình xử lý các trường hợp nghi nhiễm trong trường học.
Đề xuất tăng cường các biện pháp truyền thông cho phụ huynh học sinh. Đảm bảo công tác báo cáo kịp thời cho Sở Y tế về những trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt, ví dụ chùm ca bệnh hoặc những trường hợp bệnh nhi cần nhập viện chăm sóc y tế… để Sở Y tế có cơ sở và thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý dịch và điều trị kịp thời, thực hiện mục tiêu đảm bảo hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Đặc biệt, Sở Y tế TP đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động tham gia phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ trạm y tế xử lý dịch tại trường học.
Theo báo cáo Sở Y tế TP.HCM, trong hai tuần từ 15-2 đến 2-3, ghi nhận tình hình số ca nghi nhiễm cao trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Tổng số ca nghi nhiễm COVID-19 ở học sinh các khối từ mầm non, TH, THCS, THPT là 35.769 ca. Trong đó, nhiều nhất là ở khối tiểu học với 17.275 ca (2,6%), kế đó là THCS với 9.701 ca (2,4%), THPT là 7.051 ca (3,1%).
Số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3% (khối mầm non dưới 1%, TH: 2,6%, THCS: 2,4% và THPT: 3,1%). Trong đó các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm các quận 1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức.
Yến Hoa
Bình luận (0)