Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đề xuất nhiều giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt ở ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 13-7, trong khuôn khổ MDEC – Hậu Giang 2016 đã diễn ra hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh”. Hội thảo do Bộ NN-PTNT, BCĐ Tây Nam bộ, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức.       
Theo Bộ NN-PTNT, ĐBSCL có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan tới năng lực sản xuất yếu kém, biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra ngày một khắc nghiệt. Thực tế trong 6 tháng đầu năm nay, hạn mặn đã gây tổn thất rất lớn cho nhân dân trong vùng, làm ngành nông nghiệp vùng tăng trưởng âm 2,2%, thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại gián tiếp tới công nghiệp, ngành nghề khác và sinh kế người dân.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL vừa trải qua đợt hạn, mặn khốc liệt. Ảnh: QUÂN LÊ

Theo các chuyên gia, Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF) đánh giá: Sông Mê Công là trong số 5 dòng sông đang bị cạn kiệt ở châu Á, Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt sẽ tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội vùng hạ lưu sông Mê Công. Riêng đối với ngành nông nghiệp, việc thiếu nguồn nước sẽ gây ra những khó khăn cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, theo dự báo, trong những năm tới, mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa như thời gian vừa qua.
Vấn đề thiếu nguồn nước ở ĐBSCL và những hệ lụy của nó là hiện hữu và có thể trở thành thảm họa trong tương lai gần. Trước tình hình này, các chuyên gia đề xuất rất nhiều giải pháp về công trình và phi công trình nhằm kiểm soát mặn, trữ nước ngọt. Theo đó, có thể trữ nước ngọt bằng các hồ nhân tạo ở Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, một số khu vực rừng U Minh (Cà Mau); Xây dựng các công trình ngăn sông quy mô vừa và quy mô lớn. Song song với việc nghiên cứu dòng chảy lũ, kiểm soát lũ cho hệ thống sông ở ĐBSCL, vấn đề nghiên cứu dòng chảy kiệt và các giải pháp khoa học công nghệ tương ứng đã đến lúc cần phải được chú trọng, đầu tư một cách đúng mức. Vì vậy, ngay từ bây giờ Nhà nước cần có một chương trình lớn nghiên cứu về vấn đề này làm cơ sở khoa học, tìm ra phương án công trình hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của quá trình ứng phó với BĐKH.
Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước do đó cần phải được nghiên cứu xem xét một cách khoa học và có bài bản. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chuyển đổi sản xuất, thời vụ phù hợp để đảm bảo sinh kế cho người dân vùng ĐBSCL.

CAO PHONG- XUÂN QUANG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)