Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề xuất sớm bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Đồng thuận cao

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận đang rất quan tâm đến việc Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nâng ngạch công chức, sẽ giảm được áp lực đáng kể cho đội ngũ công chức, viên chức.
Các thí sinh tham dự kỳ thi nâng ngạch công chức khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội TPHCM năm 2022.
Áp lực lớn với công chức, viên chức
Cuối tháng 7-2023, gần 2.500 giáo viên mầm non, phổ thông ở Hà Nội viết thư, kiến nghị Sở GD-ĐT Hà Nội bỏ thi thăng hạng. Đây là những giáo viên đến đợt xét thăng hạng theo thông báo của Sở GD-ĐT TP Hà Nội.
Theo quy định hiện hành, đối tượng là giáo viên được chia thành 3 hạng I, II, III, trong đó hạng I cao nhất. Ở mỗi hạng lại có nhiều bậc lương, cứ 3 năm, giáo viên được tăng 1 bậc. Tùy theo hạng, bậc này, giáo viên sẽ hưởng lương và phụ cấp khác nhau.
Để được thăng hạng, giáo viên phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, có chứng chỉ do Bộ GD-ĐT quy định, sau đó tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng do địa phương tổ chức, như Hà Nội là hình thức tổ chức thi. Bài thi thăng hạng theo quy định gồm 4 môn: kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành.
Thầy Nguyễn Văn Đường (44 tuổi, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), đại diện gần 2.500 người viết tâm thư gửi Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho biết, nhiều giáo viên là những thầy, cô giáo giỏi cấp cụm, thành phố, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cuối năm, năng lực đã được khẳng định trong thực tiễn công tác. Nhưng, họ có thể không thành viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao nếu không may sơ suất trong một môn thi trong kỳ thi thăng hạng.
Phần lớn giáo viên cho rằng, thi thăng hạng tạo áp lực cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi, bởi khả năng ngoại ngữ, tin học không thể bằng giáo viên trẻ. Kỳ thi thăng hạng cho đông đảo giáo viên gây tốn kém, gây áp lực khi mà công sức và thời gian thầy cô dành cho việc ôn tập rất nhiều.
Không chỉ với giáo viên, mà với viên chức của các ngành khác cũng chịu áp lực lớn với kỳ thi thăng hạng này. Nhiều nhà báo phàn nàn mất khá nhiều thời gian, chi phí để học các chứng chỉ, thi thăng hạng. “Các phóng viên làm việc thành thạo trong thời đại công nghệ số nhưng vẫn phải thi tin học”, phóng viên một cơ quan báo chí phản ánh.
Tổ chức thi khá tốn kém
Trước thực tế đó, vừa qua Bộ Nội vụ đã đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức), chỉ còn hình thức xét thăng hạng. Khi trả lời ý kiến Bộ Nội vụ về vấn đề này, Bộ GD-ĐT nêu rõ, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD-ĐT ủng hộ bỏ thi thăng hạng, chỉ xét thăng hạng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, xét thăng hạng giáo viên là một cách sát thực nhất vì có thể đánh giá giáo viên cả quá trình, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, chính xác, tạo động lực tốt hơn cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế, khắc phục tình trạng giáo viên bỏ việc.
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, cho biết, việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998. Thực tiễn tổ chức thi cho thấy, dù đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nhưng hiện nay nhiều bộ, ngành chưa ban hành.
Viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ thì đây lại là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do vậy rất khó để tổ chức thi. Mặt khác, cũng chưa quy định được nội dung thi, thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức, do đó việc thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.
Viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, trong khi số lượng viên chức rất lớn (gần 2 triệu viên chức trong cả nước), nên việc tổ chức thi hàng năm rất khó. Những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.
“Quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi. Thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn. Nếu bỏ việc thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính”, ông Vũ Đăng Minh nêu.
Khi Bộ Nội vụ lấy ý kiến về bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có tới 94/95 bộ, ngành, địa phương, đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. Theo Bộ Nội vụ, việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập. Việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do “hạng chức danh nghề nghiệp” không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn chuyên ngành.
 
PHAN THẢO (theo SGGP)

Bình luận (0)