Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đề xuất tăng giá dịch vụ hàng không

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 15-3, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không, trong đó đề xuất sẽ áp giá cao đối với dịch vụ cất hạ cánh trong giờ cao điểm.

Cụ thể, đối với các cảng hàng không (CHK) thuộc nhóm A, B, Cục HKVN đề xuất giờ bình thường dịch vụ cất hạ cánh sẽ áp dụng mức giá tăng 15% so với mức hiện hành, giờ cao điểm sẽ được tăng thêm 15% và giờ thấp điểm giảm 15%. Các CHK nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định đối với CHK nhóm B trong giờ cao điểm.

Cục HKVN đề xuất sẽ áp giá cao đối với dịch vụ cất hạ cánh trong giờ cao điểm. Ảnh: MỸ HẠNH 

Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các CHK, Cục HKVN cũng đề xuất lộ trình điều chỉnh, từ ngày 1-7-2017 sẽ tăng 5%, từ ngày 1-1-2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành. Cũng theo đề xuất của Cục HKVN, mức giá một số dịch vụ hàng không sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Trong đó, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với tuyến quốc tế (hiện tại là 1,5 USD) và 18.181 VND/khách đối với tuyến quốc nội (hiện tại là 9.090 VND). Giá dịch vụ hành khách đối với hành khách nội địa tại CHK nhóm A là 90.909 VND, nhóm B là 72.727 VND và nhóm C là 54.545 VND. Như vậy, hành khách sẽ trả chi phí tăng thêm khoảng 40.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm A (chiếm tỷ lệ 0,8% giá vé máy bay) và tăng 20.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm B (chiếm tỷ lệ 0,5% giá vé máy bay).

° Cùng ngày, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến đề nghị UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho các nhà xe đang bị thua lỗ do phải điều chuyển luồng tuyến giữa Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Nước Ngầm.

Theo khảo sát của Tổng cục ĐBVN, sau khi điều chuyển luồng tuyến, có 3 tuyến có lượng khách tăng là Hà Nội – Thái Bình tăng 11%, Hà Nội – Nghệ An tăng 13%, Hà Nội – Hà Tĩnh tăng 8%. Còn lại 2 tuyến có lượng khách giảm gồm tuyến Hà Nội – Nam Định giảm 20%, đặc biệt tuyến Hà Nội – Thanh Hóa có lượng khách giảm tới 71%.

Nguyên nhân lượng khách giảm là do thực trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động như tuyến cố định đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các lực lượng chức năng có chiến dịch rà soát từng tụ điểm và xử lý nghiêm vi phạm “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, xe dừng đón trả khách sai quy định trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đề nghị cho phép các nhà xe được bán vé tại Bến xe Mỹ Đình đối với các tuyến điều chuyển sang Bến xe Nước Ngầm, bố trí xe buýt riêng để vận chuyển khách, đồng thời giảm giá dịch vụ xe ra vào bến cho các doanh nghiệp vận tải mới điều chuyển trong thời gian 1 năm. Hiện phí ở Bến xe Nước Ngầm quá cao, 70.000 đồng/lượt xuất bến và chỉ được đậu trong bến 9 – 10 phút, sau đó ra bến tạm ở đường Trần Thủ Độ để đậu còn bị thu thêm 50.000 – 100.000 đồng/lượt đậu.

BÍCH QUYÊN (SGGP)

 

Bình luận (0)