Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc ở doanh nghiệp (DN), liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Sau đây gọi chung là DN. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng – 250.000 đồng.
Dự kiến từ 1-1-2017, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 180.000-250.000 đồng. Ảnh: Q.Huy |
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với DN gồm 4 mức: mức 3,75 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng I; mức 3,32 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng II; mức 2,9 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng III và mức 2,58 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng IV.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 180.000 đồng – 250.000 đồng so với hiện hành năm 2016, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 7,1-7,5% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 7,3%) được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 dự kiến khoảng 4,5-5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho NLĐ; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2-2,5% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Nếu thực hiện theo phương án nêu trên thì đáp ứng được khoảng từ 94% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ tùy theo từng vùng.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất phương án điều chỉnh nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn còn khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2016 thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho NLĐ trên cả mức lương và phụ cấp lương (thay vì chỉ đóng trên mức lương như hiện nay), mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN (dự báo tăng bình quân khoảng 0,3-0,5%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,7-2,7%), đồng thời từng bước bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ (dự kiến bảo đảm khoảng 94% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ) và phù hợp với khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mặt khác, phương án này cũng đã tính đến một phần do năm 2016 đã điều chỉnh ở mức cao (năm 2016 điều chỉnh tăng 12,4% so với năm 2015, trong đó dự kiến chỉ số giá sinh hoạt CPI là 5-5,5% nhưng thực tế chỉ có 0,63%).
Mức lương tối thiểu vùng quy định tại nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua học nghề…
Về địa bàn áp dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cơ bản giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14-11-2015 của Chính phủ; nhưng có xem xét, cân đối điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố, trực thuộc TW.
Về thời điểm áp dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định này được thực hiện từ ngày 1-1-2017.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại nghị định này, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN.
L.Đông
Bình luận (0)