Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên gia giao thông đề nghị ngoài việc tăng mức phạt vi phạm giao thông lên gấp nhiều lần, cần truy trách nhiệm của các lực lượng liên quan đến quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm…
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Chở quá tải có thể bị phạt đến 150 triệu đồng
Đối với hành vi chở quá tải, Bộ GTVT đề xuất thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành (10%-20%, 20%-50%, 50%-100%, 100%-150% và trên 150%) thì dự thảo nghị định mới chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: quá tải là 10%-20%; 20%-50%; trên 50%. Cụ thể, ở mức 1, tăng mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng. Đối với mức 2, dự thảo nghị định tăng từ 3-5 triệu đồng lên 13-15 triệu đồng. Đối với mức 3, dự thảo phạt tiền từ 40-50 triệu đồng (hiện nay là từ 7-12 triệu đồng).
Bà Hoàng Hồng Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam – cho biết với mức xử phạt như dự thảo, một xe tải vi phạm ở mức cao nhất, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân thì mức phạt lên đến hơn 140 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 70-75 triệu đồng đối với cá nhân, từ 140-150 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô trực tiếp vi phạm hoặc giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện chở quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%.
"Dự thảo lần này tăng mạnh xử phạt mức 2 trở lên. Xe chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, do đó cần phải xử phạt nặng để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với những vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" – bà Hạnh nói.
Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông - Ảnh 1.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng hàng loạt hành vi vi phạm giao thông

Truy trách nhiệm liên đới
Đáng chú ý, hành vi sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị tăng rất nặng, có thể gấp đến 10 lần so với hiện nay. Dự thảo quy định phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện nay chỉ từ 1-2 triệu đồng); từ 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện nay chỉ từ 2-4 triệu đồng) thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng tăng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Các chuyên gia cùng chung nhận định, tăng chế tài xử phạt vi phạm tải trọng xe vào thời điểm này là cần thiết khi mà hành vi này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua. Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhận định chở quá tải là hành vi trực tiếp phá hoại đường, đồng nghĩa với hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và cả tài xế khi cho xe ra đường đương nhiên biết rõ tải trọng xe của mình bao nhiêu. Điều đó có nghĩa họ biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đây là tình tiết tăng nặng.
Còn TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng ngoài việc tăng chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm tải trọng, dự thảo nghị định cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe. 
Đua xe trái phép bị phạt đến 25 triệu đồng
Dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua môtô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép là 10-15 triệu đồng (hiện nay là 7-8 triệu đồng). Nếu đua ôtô, mức phạt là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, việc tăng mức xử phạt để tăng cường răn đe, bởi thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng sử dụng ôtô, môtô, xe gắn máy, xe máy điện để đua xe trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự.
 
Văn Duẩn (theo NLĐ)

Bình luận (0)