Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Đề xuất thêm nguyện vọng 4 cho giáo dục nghề nghiệp trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM kiến nghị thành phố có thêm nguyện vọng 4 dành cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của thành phố, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng.

Cụ thể, TS. Đặng Văn Đại (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn) nhìn nhận, công tác hướng nghiệp học sinh THCS và THPT có vai trò quan trọng đối với công tác phân luồng. Nếu công tác hướng nghiệp làm tốt thì sẽ tác động mạnh đến công tác phân luồng, giúp các trường trung cấp có điều kiện để đẩy mạnh hoạt động đào tạo.

TS. Đặng Văn Đại (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn) kiến nghị có thêm nguyện vọng 4 dành cho giáo dục nghề nghiệp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM

Theo ông Đại, để công tác hướng nghiệp, phân luồng đạt hiệu quả thì cần trang bị kiến thức kỹ năng cho giáo viên làm tốt công tác hướng nghiệp. Trên thực tế, hiện nay giáo viên chuyên trách về hướng nghiệp ở các trường chưa thực sự bài bản, cần được bồi dưỡng thường xuyên hơn. Đặc biệt, ông đề xuất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM cần có thêm nguyện vọng dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò của công tác phân luồng ở bậc THCS, giúp giáo viên có định hướng tư vấn và phụ huynh học sinh có định hướng để lựa chọn. “Hiện nay, TP.HCM có 3 nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập cho học sinh THCS. Đề xuất nguyện vọng 4 là nguyện vọng dành cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề, GDTX…”, ông Đại kiến nghị.

Ngoài ra, ông Đại cũng kiến nghị cần thay đổi cách thức tổ chức công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS. Hàng năm, trước khi học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập thì các trường THCS đều tổ chức tư vấn phân luồng cho học sinh, song chưa có sự tập trung. Để hiệu quả thì vai trò của phòng GD-ĐT rất quan trọng, cần tổ chức có sự tập trung, mời sự tham gia của nhiều đơn vị, tư vấn có sự tập trung chứ không thể mạnh trường nào trường đó nói, rất thiếu hiệu quả. “Công tác tư vấn hướng nghiệp không chỉ là “mãi võ” được, mà cần xác định rõ thế mạnh của mỗi đơn vị để tư vấn, nếu không sẽ mất sự tập trung và thiếu định hướng, thiếu hiệu quả”, ông Đại phân tích.

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao hiệu quả phân luồng thì công tác tư vấn hướng nghiệp không thể mạnh-ai-đó-làm

Tương tự, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn đông TP.HCM Trần Thanh Hải cho hay, hệ thống đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM hàng năm không hề có tên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông kiến nghị thành phố mạnh dạn nghiên cứu đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp trở thành một nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, nhằm tăng hiệu quả phân luồng. Đồng thời, thành phố mạnh dạn thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025”, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS học nghề…

Ngoài ra, theo ông Hải, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang gặp bất cập trong quản lý Nhà nước. Cụ thể, việc cấp bù học phí cho học sinh học nghề thì với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, ngân sách sẽ rót trực tiếp về trường; còn với cơ sở ngoài công lập thì ngân sách lại rót trực tiếp cho người học với nhiều thủ tục nhiêu khê, từ đó làm giảm đi sự hấp dẫn của việc phân luồng. Do đó, ông đề nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương thay đổi phương thức để thực hiện tốt hơn công tác phân luồng. Đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động thay đổi, làm mới mình để thu hút người học.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)