Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chủ trì phối hợp cùng TP.HCM tiếp thu ý kiến của các bộ ngành nghiên cứu đề xuất Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách (CCCS) đặc thù phát triển TP.HCM.


Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số CCCS đặc thù phát triển TP.HCM nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện các mục tiêu, nội dung định hướng phát triển TP.HCM

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số CCCS đặc thù phát triển TP.HCM nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện các mục tiêu, nội dung định hướng phát triển TP.HCM.

Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều với 4 nhóm cơ chế. Nhóm 1, các CCCS đã được quy định tại Nghị quyết số 54; Nhóm 2, các CCCS có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Nhóm 3, các CCCS có trong các dự thảo trong Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới; Nhóm 4, các CCCS mới, chưa được quy định tại NQ 54/2017/QH14, chưa có trong các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác, và chưa có trong các dự thảo luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới.

Trong nhóm 4, sẽ tập trung vào các vấn đề đột phá cho TP.HCM. Trong đó, về quản lý đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định CCCS giúp thành phố linh hoạt trong điều hành kế hoạch vốn đầu tư công qua việc giao thành phố được chủ động quyết định danh mục dự án và tổng mức vốn đầu tư công trung hạn trên cơ sở dự kiến khả năng tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương. HĐND TP.HCM được quyền bố trí vốn đầu tư công để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nhằm giúp thành phố có thể nâng cao mức sống và thu nhập cho người thu nhập thấp, người yếu thế.

Dự thảo Nghị quyết xác định đây là nội dung quan trọng về điều hành kế hoạch vốn đầu tư công, giúp thành phố chủ động trong việc sử dụng hiệu quả nhất các nguồn thu và tập trung chi cho đầu tư phát triển mà không phải chờ Quốc hội điều chỉnh tổng mức kế hoạch vốn trung hạn đã giao cho thành phố.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định CCCS thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. CCCS cho phép thực hiện đối với phần diện tích đất do nhà nước quản lý trong các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số loại dự án, không phải thực hiện thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

CCCS để đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) như: PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư Công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu đối với đường phố chính đô thị, đường trên cao; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT.

Dự thảo Nghị quyết xác định cơ chế này sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp để đẩy nhanh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn về giao thông, giúp nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của người dân, đồng thời có tính chất thử nghiệm để hoàn thiện lại khung pháp luật về hình thức hợp đồng BT và BOT.

Về tài chính ngân sách, dự thảo Nghị quyết quy định CCCS cho phép thành phố được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, thực hiện nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được dự toán.

Dự thảo Nghị quyết xác định cơ chế này tạo sự linh hoạt trong công tác điều hành quản lý của các quận khi không còn là một cấp ngân sách theo quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định CCCS cho TP.HCM chủ động sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

CCCS để TP.HCM có điều kiện phát huy hiệu quả vai trò của HFIC, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố; cho thành phố được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu nhằm nâng cao tiện ích phục vụ cho doanh nghiệp và người lao động.

CCCS cho TP.HCM tạo nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon được hình thành từ các chương trình, dự án giảm phát thải khí và hấp thụ khí nhà kính; sử dụng mái nhà của trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo các điều kiện kỹ thuật của các trụ sở để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong nhóm 4, dự thảo Nghị quyết còn quy định CCCS quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; cho ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; cho quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy thành phố; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được chuẩn bị, Chính phủ đã có Tờ trình số 86/TTr-CP ngày 24/3/2023 đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số CCCS đặc thù phát triển TP.HCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)