Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đề xuất thi THPT quốc gia vào tháng 6

Tạp Chí Giáo Dục

Kiểm tra thủ tục vào phòng thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015

Ngày 16-12, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT trên cả nước để góp ý cho phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2016. Tại đây, nhiều sở GD-ĐT đề nghị kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra sớm hơn, vào đầu hoặc giữa tháng 6 để địa phương còn lo cho kỳ thi lớp 10…

Thi sớm để còn lo… thi lớp 10

Hầu hết các sở GD-ĐT đều thống nhất rằng kỳ thi THPT quốc gia 2016 nên giữ ổn định như 2015 nhưng kèm theo một số điều chỉnh phù hợp. Trong đó, khá nhiều sở đề nghị tổ chức thi sớm hơn, vào đầu hoặc giữa tháng 6. Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng tổ chức thi THPT quốc gia vào tháng 6 giúp các sở GD-ĐT thuận tiện, ngay cả cho công tác thi tuyển sinh lớp 10. Năm rồi, giáo viên vừa tham gia kỳ thi THPT quốc gia xong lại tiếp tục kỳ tuyển sinh lớp 10 nên không được nghỉ hè đủ 2 tháng như quy định. Ông Đạt còn đề nghị nên thi trong 4 ngày để đảm bảo cơ hội cho thí sinh. Đồng thời, những nơi điều kiện không khó khăn chỉ nên có cụm thi do trường ĐH chủ trì để hạn chế tốn kém. Còn cụm thi địa phương áp dụng cho những vùng sâu xa, khó khăn để học sinh có thể dự thi thuận lợi. Các quyết định về kỳ thi nên chốt sớm, tốt nhất trước Tết Nguyên đán để sở GD-ĐT, trường ĐH, trường phổ thông và thí sinh có thời gian chuẩn bị.

Nhiều sở GD-ĐT cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2016 nên giữ ổn định như 2015 nhưng kèm theo một số điều chỉnh, trong đó có việc tổ chức thi sớm hơn

Đồng ý tổ chức thi vào tháng 6, bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa – đề nghị phân bố giáo viên coi thi để có sự giám sát chéo giữa hai loại cụm thi do sở GD-ĐT và trường ĐH chủ trì. “Đề thi năm 2016 nên phân hóa rõ hơn, năm rồi phổ điểm rất đẹp, lượng thí sinh từ 22-24 điểm rất nhiều nhưng việc xét tuyển ĐH-CĐ lại khó. Nên bỏ phần thi tự luận đối với môn ngoại ngữ vì phần này chỉ chiếm 2 điểm nhưng phải qua nhiều vòng chấm”, bà Hằng đề nghị. Một nguyên do khác được các sở đề cập đối với việc bỏ thi tự luận ngoại ngữ là thù lao cho cán bộ chấm thi không đáng kể, thậm chí chưa đủ để chi cho công tác ăn ở, đi lại.

Trước những đề nghị này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, các sở muốn tổ chức kỳ thi vào nửa đầu tháng 6 cho thuận tiện nhưng kỳ thi còn phối hợp với trường ĐH nên cần cân đối, tính toán để phù hợp đôi bên. Vấn đề bỏ thi tự luận ngoại ngữ, Thứ trưởng Hiển cho rằng toàn ngành đang cố gắng dạy học ngoại ngữ theo hướng đánh giá cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết nên áp dụng thi tự luận. Thực tế, thi tự luận ngoại ngữ đã được triển khai 2 năm nay.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang – đánh giá vấn đề điểm ưu tiên vào ĐH có những bất hợp lý, cần xem xét ưu tiên áp dụng cho những ngành nhân lực thiếu vì hiện lượng sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều.

Liên quan đến đề thi, các sở đề nghị cần phân hóa hơn để các trường ĐH dễ tuyển sinh, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định chưa thấy các trường ĐH đề xuất vấn đề này. Cũng ở khâu đề thi, bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang – đề nghị đề thi “2 trong 1” nên có 2 “gói” dành cho 2 đối tượng (xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH-CĐ), cả 2 “gói” đều có điểm tuyệt đối riêng. Bởi nếu cùng 1 đề thi phân hóa, học sinh trung bình sẽ bị thiệt vì chưa làm bài đã mất 40% điểm ở phần nâng cao. Vấn đề này, Thứ trưởng Hiển cho rằng, việc tách biệt đề thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ theo hướng đề thi tốt nghiệp dễ hơn, cơ bản hơn, không cần vận dụng, nâng cao song thực tế không phải học sinh nào thi tốt nghiệp THPT cũng yếu, nên để các em thi cả phần vận dụng.

Hai loại cụm thi

Các sở GD-ĐT đều thống nhất việc giữ hai loại cụm thi (do sở GD-ĐT và trường ĐH chủ trì) như năm rồi. Bà Trần Thị Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ – đề nghị tăng thêm 1 cụm thi tại Kiên Giang để giải quyết nhu cầu một bộ phận thí sinh tỉnh này, huyện đảo Phú Quốc và các huyện giáp ranh của Cà Mau. Về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, thí sinh vùng giáp ranh sẽ linh hoạt trong việc chọn cụm thi sao cho thuận lợi nhất.

Rất nhiều ý kiến đề nghị bộ tăng cường phân quyền cho các sở GD-ĐT trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu thi. Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai nêu thực tế, sở này cần thống kê số học sinh đạt điểm sàn trở lên để báo cáo ủy ban nhưng dữ liệu thi không được trả về địa phương khiến địa phương gặp khó.

Ông Nguyễn Thanh Điệp – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Long An – cũng chỉ ra, năm rồi, để điều chỉnh một số thông tin rất nhỏ trong đăng ký dự thi của các địa phương nhưng sở phải liên hệ Cục Khảo thí nhiều lần mới được, thậm chí cứ 30 phút gọi điện thoại một lần.

Cũng có ý kiến đề cập trở lại việc sử dụng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 và áp dụng điểm liệt là 1. Đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu phân tích: Năm ngoái do giáo viên, học sinh chưa quen với kỳ thi nên thang điểm 10 là phù hợp. Năm nay chuyển sang thang điểm 20 sẽ thuận lợi hơn cho công tác xét tuyển.

Bài, ảnh: Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)