Giờ thực hành của sinh viên Trường Trung cấp Nghề Cơ khí Hà Nội. Ảnh: I.T |
Sáng 13-1, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTTN&NĐ) Quốc hội đã có buổi làm việc với các sở GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội về thực hiện Luật Thanh niên. Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã có những đề xuất cụ thể liên quan đến vấn đề giáo dục và việc làm cho thanh niên hiện nay.
Giáo dục HSSV toàn diện
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết ngành giáo dục thủ đô đã chủ động xây dựng chương trình phát triển thanh niên Hà Nội đến năm 2020; chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020 và chương trình phối hợp giữa Đoàn Thanh niên và Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015 với nội dung triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh niên, công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong các năm học. Luật Thanh niên ra đời năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý để Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan chăm lo đến hoạt động của HSSV trong thời gian vừa qua. Sở GD-ĐT Hà Nội đã tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có lý tưởng và quyết tâm hành động để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sở cũng tổ chức và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia gìn giữ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội cũng như trên toàn quốc, môn giáo dục quốc phòng – an ninh là bộ phận của nền giáo dục quốc dân. Sở cũng đã xây dựng bộ tài liệu Hà Nội nếp sống thanh lịch văn minh và đưa vào giảng dạy tại các trường trên địa bàn toàn thành phố. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu. Cũng theo ông Thống, ngành GD-ĐT Hà Nội đã có những cơ hội chọn cử HS tham gia nhiều chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế như chương trình đối thoại châu Á với Anh quốc, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc…
Giải quyết việc làm cho thanh niên
Đối với vấn đề đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên, ông Nguyễn Hiệp Thống cho hay hiện Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý 46 trường TCCN, 10 trường CĐ, 1 trường bồi dưỡng cán bộ của thành phố. Hiện các trường đang tổ chức đào tạo 80 ngành nghề trình độ TCCN. Trong đó nhóm ngành kinh tế tuyển sinh đạt 42,2%; nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật tuyển sinh đạt 45,3%; nhóm ngành y tế – giáo dục tuyển sinh đạt 98%; nhóm ngành dịch vụ tuyển sinh đạt 46,2%. Còn về phía Sở LĐ-TB&XH, Phó giám đốc Nguyễn Quốc Khánh cho biết hiện Hà Nội có khoảng 2,7 triệu thanh niên từ 16-30 tuổi, chiếm 33% tổng dân số, trong đó có 1,6 triệu thanh niên tham gia hoạt động kinh tế tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Trên 600.000 thanh niên còn lại làm việc tại các khu vực làng nghề, làm nông nghiệp, kinh doanh tự do và một lượng không nhỏ hiện nay chưa tìm kiếm được việc làm. Năm 2014, dự kiến toàn thành phố giải quyết việc làm cho 140.450 lao động. Cũng trong năm 2014, 2 trung tâm dịch vụ việc làm của thành phố mở 112 phiên giao dịch việc làm với 5.000 đơn vị doanh nghiệp tham gia, tuyển dụng 23.500 lao động. Trên địa bàn thành phố có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, tuy nhiên, do đặc điểm riêng nên kết quả xuất khẩu lao động của thành phố chưa được 1.650 lao động. Hàng năm, thành phố cũng tổ chức dạy nghề cho khoảng 148.000 lao động để tham gia vào thị trường lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Thống nhất cơ quan
quản lý giáo dục quốc dân
Bên cạnh những việc đã làm được khi thực hiện Luật Thanh niên, ngành GD-ĐT Hà Nội cũng còn nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã có một số kiến nghị đối với đoàn giám sát. Theo ông Độ, tuyển sinh TCCN thời gian qua rất khó khăn. Trong khi đó ngân sách dành cho các cơ sở dạy nghề rất lớn, còn TCCN vẫn định mức 5 triệu đồng/khóa học/HS. Nhưng tâm lý của HS lại muốn học TCCN. Do đó, ông Độ đề xuất, nên thống nhất trung cấp nghề và TCCN làm một. Ông Độ cũng cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất nên để Bộ GD-ĐT quản lý là phù hợp nhất, đây là sự quản lý liên thông, không bị đứt đoạn. Ngành giáo dục thủ đô cũng có một đề xuất nữa đó là có thể thống nhất trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp với trung tâm dạy nghề làm một. Riêng trung tâm GDTX có thể vẫn giữ nguyên vai trò như hiện nay. Mặt khác, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội đề nghị tăng cường thêm đội ngũ cán bộ tư vấn trong trường học. Cán bộ tư vấn hiện nay chưa được biên chế trong khi nhà trường đang gặp những khó khăn liên quan đến vấn đề về giới của HS. HS không biết hỏi ai về vấn đề này, hỏi giáo viên chủ nhiệm nhiều khi cũng không có kinh nghiệm hoặc các thầy cô giáo còn trẻ ngại nói. Do đó, cần phải có một cán bộ tư vấn tâm lý và một cán bộ tư vấn hướng nghiệp, như thế sẽ thuận lợi cho HS. Hà Nội đã thí điểm ở một số trường. Hàng tuần số lượng HS lên hỏi đông và hiệu quả.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội khẳng định thanh niên rất được quan tâm trên địa bàn Hà Nội. Trước đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuyết cho biết vấn đề thống nhất giữa dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp đã được bàn tại Quốc hội với nhiều ý kiến. Cuối cùng trong luật là giao cho Chính phủ. Chính phủ giao cho ai là việc của Chính phủ. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của Hà Nội, đoàn giám sát sẽ có ý kiến. Cơ chế độ đãi ngộ thanh niên tình nguyện đối với vùng sâu vùng xa, hải đảo, tháng 3 tới sẽ trình Thủ tướng về chính sách này.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)