Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 4 diễn ra tại TP.HCM vào sáng 10-8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); đồng thời đề xuất triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng vùng.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 154/NQ-CP và Kế hoạch của Hội đồng vùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia tiến hành các bước dự thảo Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 20-12-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình số 80/TTr-BTTTT trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT.
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về công nghiệp CNTT. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số (CNS) với các cơ chế chính sách khuyến khích để phát triển ngành như: cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ CNS; dữ liệu số trong công nghệ CNS; vi mạch bán dẫn; khu CNTT tập trung…
Về phía các địa phương của vùng, đề nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc; thiết lập cơ chế một cửa, làn xanh cho doanh nghiệp FDI để thúc đẩy các hoạt động thiết kế, chế tạo, sản xuất tại Vùng theo hướng gia tăng hàm lượng chế tạo, sản xuất.
Thứ hai, phát triển hạ tầng nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT. Cụ thể, phát triển đồng bộ các hạ tầng cơ bản phục vụ phát triển công nghiệp CNTT như: hạ tầng viễn thông, internet; hạ tầng tính toán, dữ liệu; khu CNTT tập trung; hạ tầng năng lượng điện; hạ tầng giao thông và logistics.
Trong đó, khuyến khích và có giải pháp chuyển đổi mô hình các KCN truyền thống tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương thành các Khu CNTT tập trung nhằm hình thành các trung tâm kinh tế số, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng xanh, bền vững.
Thứ ba, nâng cao năng lực phát triển, thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số: Hỗ trợ nghiên cứu phát triển các công nghệ số IoT, AI, Bigdata, Blockchain, điện toán đám mây. Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mô hình liên kết doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu; công khai các công trình nghiên cứu; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo về quy trình và kiểm thử sản phẩm.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng số lượng và chất lượng cho Công nghiệp CNTT: Đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ sư thực hành tay nghề cao phù hợp cho sản xuất công nghiệp; Nâng cao tay nghề cho người lao động; Thúc đẩy các dự án, chương trình đào tạo nhân lực số.
Thứ năm, phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ số: Công bố các bài toán CĐS của địa phương, của Vùng Đông Nam Bộ; xúc tiến thương mại; thúc đẩy ứng dụng công nghệ IoT, AI, Bigdata, Blockchain; Hỗ trợ CĐS các KCN, nhà máy theo hướng thông minh.
“Hiện nay một số quy hoạch tỉnh mới được phê duyệt như Bình Dương, Đồng Nai, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các địa phương và một số bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)