Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đề xuất xây dựng thị trường điện cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ Công Thương đang xây dựng quy định cho phép điều chỉnh giá điện theo biến động của thị trường, để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Lãnh đạo EVN cho biết do giá điện mua cao bán thấp, từ đầu năm đến nay EVN bị lỗ tới 5.400 tỷ đồng.

EVN cho rằng thiếu điện một phần do tập đoàn không lo đủ vốn để thực hiện các công trình điện mới . Ảnh: Phạm Yên

EVN lỗ 5.400 tỷ đồng
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho biết giá điện hiện nay được xem xét điều chỉnh mỗi năm một lần với mức độ tăng rất hạn chế, chưa cho phép kịp thời điều chỉnh giá bán lẻ khi các yếu tố hình thành giá đầu vào tăng cao.
Bộ đang khẩn trương xây dựng quy định cho phép điều chỉnh giá điện theo biến động của thị trường để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến thực hiện trong quý 3 và quý 4/2010.
Trao đổi với phóng viên, ngày 19-7, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN cho biết để chuẩn bị cho việc đưa giá điện theo thị trường, Tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất xây dựng thị trường điện cạnh tranh và cơ cấu lại khâu phát điện hiện nay.
Theo đó, tất cả các nhà máy của EVN đều phải chào trên thị trường và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ sắp xếp trật tự giá thành phát điện từ thấp đến cao. Đơn vị nào chào thấp nhất sẽ ưu tiên được phát trước, chào cao nhất sẽ phát sau cùng. Các thông tin chào giá này sẽ được công khai trên thị trường và có cơ quan giám sát.
Theo ông Hưng, thị trường điện Việt Nam có bất cập là giá điện hiện quá thấp. Cầm 500 đồng ra chợ không mua được gì. Với số tiền này chỉ mua được mỗi điện. Điện bán lẻ ra thị trường có loại giá chỉ 285 đồng/kWh, trong khi ở Campuchia giá điện ở mức 4.000 đồng/kWh.
Từ đầu năm 2010 đến ngày 12-7, EVN bị lỗ tới 5.400 tỷ đồng. Số lỗ này do tập đoàn phải mua các nguồn điện giá cao, có loại đến 5.000 đồng/kWh, trong khi bán cho dân có những loại điện giá 280 đồng, có loại 420 đồng/kWh.
Theo lãnh đạo EVN, những năm trước đây 6 tháng đầu năm, năm nào EVN cũng bị lỗ đến ngày 20-6 vì mua điện giá cao rồi bán thấp. Sau thời gian trên trở đi là hòa vốn do huy động được thủy điện nhiều hơn. Cũng nhờ thủy điện chiếm 34% trong tổng hệ thống điện mà cứu được tình hình về tài chính của EVN thời gian vừa qua. Nếu có sự điều chỉnh giá điện theo giá yếu tố đầu vào thì mức lỗ sẽ thấp hơn.
Mâu thuẫn giữa mua và bán điện
Về việc các chủ đầu tư kêu bị gây khó dễ khi đàm phán mua bán điện, lãnh đạo ngành điện khẳng định ở đây có mâu thuẫn rất cơ bản giữa công ty mua bán điện và nhà đầu tư.
Thời gian qua, EVN ký trên 190 hợp đồng với 154 nhà đầu tư trong khi Nhà nước quy định tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư được hưởng tối đa không quá 15%. Nếu công ty mua bán điện đàm phán hời hợt, không cụ thể, có thể dẫn đến hợp đồng có lợi cho nhà đầu tư. Chỉ cần mỗi kWh tăng cho nhà đầu tư khoảng 0,5 cent, thì với mức mua 50 tỷ kWh trong năm 2010, EVN sẽ phải trả thêm khoảng 4.500 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT EVN cũng cho biết, sau khi Chính phủ có yêu cầu ngành điện thống kê thiệt hại của nền kinh tế do thiếu điện, EVN đã có báo cáo Chính phủ về việc này và thừa nhận việc thiếu điện có gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc thiếu điện do EVN thiếu vốn và một mình tập đoàn làm một lúc quá nhiều dự án nên việc có sự yếu kém là không tránh khỏi.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng tỏ ý lo ngại, sẽ rất nguy hiểm nếu cho phép chuyển các chi phí đầu vào của giá điện vào giá bán lẻ trong khi chưa có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Khi đó giá bán lẻ điện sẽ liên tục chịu áp lực tăng, dự kiến có thể lên tới 10 – 20%/năm và sẽ ảnh hưởng nhiều tới lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.  
Phạm Tuyên / Tien Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)