Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đêm của những “game thủ nhí”

Tạp Chí Giáo Dục

Đã 3 giờ sáng, cửa kéo đã sập xuống nhưng bên trong những tiệm internet vẫn nhộn nhịp. Những đứa trẻ chỉ khoảng 10 tuổi hì hụi, cắm cúi chơi. Mấy ai biết được, những đứa trẻ này ban ngày lẫn đêm phải làm đủ việc như bán kẹo, bán khăn giấy, bán trứng cút, bán vé số…

“Ngoài lạnh trong nóng”

Nếu nhìn bên ngoài, những tưởng tiệm internet đã nghỉ nhưng khi mục sở thị một tiệm tại chợ Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM), mới thấy bên trong hoàn toàn không im ắng như những gì ở bên ngoài nhìn thấy. Dưới ánh đèn mờ mờ có độ hơn 10 “game thủ nhí” vẫn hoạt động hăng say. Khi hỏi một em có cái tên nghe rất Tây là Tony, 10 tuổi, chúng tôi được biết, em không có cha, mẹ bán vé số. Hai mẹ con ở trọ tại một căn nhà ọp ẹp nhiều chuột và gián ở gần chân cầu ông Lãnh. Ban ngày em cùng mẹ đi bán vé số. Ban đêm em trốn mẹ đi chơi. Buồn ngủ ngồi ngủ tại tiệm net luôn. Mẹ đi bán về trễ cũng không biết đâu mà tìm nên riết rồi quen, khỏi tìm.

Cũng có những em về nhà chỉ để bàn giao tiền cất hàng hóa rồi nhanh chóng kéo ra một tiệm internet quen thuộc cùng các “chiến hữu” thi thố “tài năng”. Phần đông những “game thủ nhí” này có hoàn cảnh khó khăn, bị cha mẹ bỏ rơi phải bươn chải kiếm sống từ rất nhỏ. Chính vì vậy, chúng trở nên chai lì và dù tuổi còn rất nhỏ nhưng đã tỏ ra sành sỏi các mánh lới ăn chơi. Mỗi ngày đi làm, những đứa trẻ sẽ giấu một phần “thu nhập” để khuya về có tiền ra quán chơi game và ăn một tô mì trứng, tô cháo hay uống một chai nước ngọt được chủ tiệm internet bán luôn. Có em dù đã 10 tuổi nhưng hoàn toàn không biết chữ, không biết đọc nhưng lại tính tiền rất “cừ” không mất cũng không sót một đồng nào.

Các “game thủ nhí” chơi và ngủ tại quán

Những số phận nổi trôi

Theo nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, quy định thời gian mở cửa tại các điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng (từ 8 giờ đến 22 giờ). Các điểm kinh doanh các dịch vụ vi phạm giờ mở cửa nêu trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nhà nước.

Lân la hỏi một cô gái tên Xí Ngầu (tên thật là Vũ Thị Hồng, 9 tuổi – PV) đang hăng say chơi game không thua kém gì các bạn nam đang ngồi xung quanh. Cô bé không ngần ngại trả treo: “Chị muốn em trả lời chị thì chị mua cho em tô mì hai trứng đi, chị hỏi gì em cũng trả lời”. Tôi liền gọi chủ tiệm internet mang ra. Xí Ngầu cho biết: “Em đi bán trứng cút với mẹ. 11 giờ thì về ngủ nhưng mẹ lại đi bán thêm ở vài quán nhậu khác nên em “chuồn” ra đây chơi game với đám bạn. Ba bỏ mẹ con em vì nghèo quá. Em không được đi học. Mẹ nói mẹ còn không có cái giấy chứng minh huống gì em có giấy khai sinh, không học được. Nghe nói học mệt lắm, không đi học đi chơi thích hơn. Em thường đi như thế này nên mẹ cũng không đi tìm đâu, sáng mai em về ngủ tới 4 giờ chiều lại đi bán với mẹ”.

Từ việc được tiếp tay của những chủ tiệm internet và sự buông lỏng của cha mẹ đã khiến những đứa trẻ này hư hỏng. Để có tiền chơi game, nhiều em đã lấy trộm cả tiền, điện thoại, quần áo, giày dép… của người khác mang đi bán lấy tiền chia nhau chơi game. Chính Xí Ngầu cũng thừa nhận đã vài lần cùng “đồng bọn” lấy đồ của người khác. Cụ thể hai lần “chôm” điện thoại và một lần “mượn tạm” ví của người khác để có tiền ăn uống chơi game. Số tiền được chia đều ra cho cả bọn và thường các em giấu nhẹm để ăn và chơi. Thậm chí có nhiều tiền, các em không đi làm mà dùng số tiền đó bù vào tiền hàng, rồi cả ngày cả đêm chỉ chăm chú vào chiếc máy tính chơi game. Mệt vật ra ngủ, tỉnh dậy chơi tiếp. Bên cạnh đó, bởi không ai quản lí nên dù rất nhỏ, các em đã thuộc vanh vách tên miền của những trang “web đen”.

Bài, ảnh: Phạm Quyên

Nhiều hệ lụy cho xã hội

Theo TS. tâm lý Lý Thị Mai thì: “Trẻ muốn trở thành game thủ để thỏa mãn cảm xúc và được chứng tỏ mình làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mắt, tinh thần mỏi mệt. Hậu quả là tâm lý, tình cảm và nhân cách của trẻ bị rối loạn. Một số bị trầm cảm phải vào viện tâm thần, thậm chí trở thành tội phạm trộm cắp, giết người để có tiền chơi game như trường hợp của em Vũ Tiến Sơn (sinh năm 1996, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã giết người để cướp nhẫn vàng lấy tiền chơi game, phải lãnh mức án tù hơn 10 năm… Vì thế, đối với mỗi gia đình có con em đang trong độ tuổi trưởng thành, ngoài sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ quản lý của gia đình là yếu tố quyết định, giúp các em tránh xa những tiêu cực mà game online có thể mang lại. Song song đó, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp và tiến hành tuần tra, kiểm tra chặt chẽ đối với các quán hoạt động internet trái phép, nhất là các quán “tiếp tay” cho trẻ em  để có hình thức xử lý thích đáng.

B.T

 

Bình luận (0)