Ba thành viên thực hiện mô hình “Lọc nước chân không”
|
Ấn tượng đầu tiên là mô hình lọc nước này không theo phương pháp truyền thống chạy ngầm dưới đất mà “leo ngược” trên không để thực thi sứ mệnh của mình. Sự độc đáo đó ngay từ đầu đã khẳng định được tính sáng tạo của nhóm nghiên cứu khoa học.
Mô hình thu hút người xem hơn khi nghe được lời thuyết minh rõ ràng, trôi chảy và không kém phần lôi cuốn của “nhà khoa học nhí” Trần Văn Kiệt – một thành viên có tài ăn nói trong lớp. Cũng không ai khác chính Kiệt là người đã phát hiện ra đề tài đầu tiên để cho các bạn thực hiện. Câu chuyện của cậu học trò lớp 9/5 cũng giống như nhà bác học Newton nhìn thấy quả táo rơi mà tìm ra lực vạn vật hấp dẫn của trái đất cách đây 4 thế kỷ. “Hôm đó trong lúc đang bần thần ngồi suy nghĩ đề tài cho nhóm thì em bị em gái (học lớp 5) nhờ giải bài tập giùm. Bài tập hôm đó lại liên quan đến chiếc bình đựng nước lọc trong nhà. Sau khi làm xong nhiệm vụ, em tự nhủ: “Ủa, tại sao mình không nghiên cứu cách lọc nước sạch để bảo vệ môi trường và phục vụ đời sống cho con người?”. Từ những câu hỏi nảy sinh rất vô tình mà đề tài mang tên “Máy lọc nước trên không ra đời”, Kiệt cho biết.
Giống như một nhà khoa học thực thụ, Kiệt đưa ra quy trình xử lý nước thải theo từng nguyên tắc nhất định. “Không chỉ dùng các chất hóa học như Clo hay tia cực tím để lọc nước thải qua đồ chắn rác mà chúng ta phải biết phân loại nước thải để có từng hóa chất lọc sạch cho phù hợp”, Kiệt nói.
Ngoài “thủ lĩnh” Kiệt, nhóm còn có hai thành viên khác là Hà Văn Long và Trần Vy Thanh Thủy. Nói chuyện với Long và Thủy, tôi mới biết các vật liệu làm nên mô hình độc đáo này đều có xuất xứ từ… phế liệu. Cụ thể, từ những miếng gỗ ván ép đến biển chữa cháy bỏ đi và cả kính hội tụ không còn đát, tất cả đều trên tinh thần “có gì dùng nấy”. Vậy mà khi tạo nên hình hài thì những chiếc bình lọc nước làm bằng các ly trà sữa hay lon nhựa cũng rất đẹp mắt. Những việc làm nho nhỏ như xin than hoạt tính hay lấy cát về đổ vào bình cũng giúp các em rèn thêm đức tính chăm chỉ, chịu khó và cần cù. Long và Thủy cho biết, lọc nước trên cao không chỉ tận dụng được các vật liệu phế thải mà còn tránh được nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước. Tuy nhiên, do mô hình làm trên cao nên lúc đầu cứ dựng gần xong là đổ xuống. Không nản chí, cả nhóm lại tìm cách khắc phục bằng cách mua thêm êke, co chữ L để kẹp vào cho có thế đứng. Do cách lọc nước bằng thủ công nên các “nhà khoa học nhí” vẫn ao ước sau này có thêm cơ hội dùng máy thủy lực để bơm nước trong quá trình lọc. Nếu quy trình lọc nước trên không thành công thì các em sẽ xây hệ thống trụ đỡ theo quy trình giống như các trụ điện trung thế có hàng lối ngay ngắn và khoa học hơn. Đó là điều mà cả ba thành viên còn nuối tiếc khi sản phẩm đã hoàn thành.
Tại Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên TP.HCM năm nay, tập thể lớp 9/5 làm được một cú đúp khi thành công thêm ở đề tài Nông trại 3T. Nếu không có Long giải thích thì ít người biết đến mật danh này. Theo Long, 3T là đề tài hướng đến 3 mục đích mà mỗi mục đích đều có chữ cái T, đó là Tái chế sản xuất, Tái sử dụng và Tự cung tự cấp. Khác với Mô hình lọc nước trên không,Nông trại 3T gần như 100% là vật liệu phế thải để làm ra sản phẩm mới hoàn toàn. Qua bàn tay khéo léo của các em nữ sinh, từng vật nuôi trong nông trại như cừu, heo, gà được làm bằng “ve chai” rẻ tiền nhưng thật ngộ nghĩnh.
Các sản phẩm đều được Ban giám khảo đánh giá cao bởi tính thô mộc và tự nhiên vì phù hợp với cách nghĩ và cách làm của lứa tuổi thiếu niên. Đó chính là kết quả của những buổi không dám ngủ trưa trong trường bán trú để tự mày mò thiết kế mô hình. Đó cũng là thời gian mà trong giờ ra chơi các “nhà khoa học nhí” quên đá cầu, bỏ nhảy dây để tìm vật liệu và thiết kế bản vẽ chi tiết, cho ra sản phẩm kịp với thời gian.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Niềm hạnh phúc của cả nhóm là trong giây phút được lên bục danh dự cao nhất để nhận giải thưởng và bằng chứng nhận sáng tạo của Ban tổ chức. Nhưng vui sướng hơn cả là qua sân chơi bổ ích này các em càng thấy được giá trị của những sản phẩm có tính sáng tạo và tính ứng dụng cao. Sản phẩm luôn được ra đời từ cuộc sống nhưng sản phẩm đó càng có ý nghĩa hơn khi được trở lại phục vụ cuộc sống, phục vụ con người. Đây là bài học sâu sắc nhất mà các thành viên trong lớp 9/5 thu hoạch được khi lần đầu tiên bước chân vào nghiên cứu khoa học. |
Bình luận (0)