Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đền bù để xây dựng đường nối cầu Đại Lộc: Vì sao người dân khiếu kiện?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2010, Quảng Trị tiến hành xây dựng cầu Đại Lộc nối TP.Đông Hà với huyện Triệu Phong. Công trình do Sở GTVT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, UBND TP.Đông Hà được giao nhiệm vụ giải phóng, bàn giao mặt bằng thi công đường nối cầu này với QL1A. Quá trình thực hiện, người dân bị giải tỏa nhà cửa, thu hồi đất đã nhiều lần khiếu nại, khiếu kiện chính quyền và đơn vị chức năng liên quan của TP. Nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…

Ngày 4-12-2016, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết đã nhận và thụ lý đơn của bà Nguyễn Thị Xuân, HKTT KP.Vĩnh Phước, P.Đông Lương, Đông Hà (nay tạm trú tại 79 Lê Đại Hành, KP.1, Đông Lương) kiện UBND TP.Đông Hà, các đơn vị chức năng của TP và tỉnh về việc thu hồi, đền bù đất của gia đình không đúng với thực tế và các quyết định, văn bản, giấy tờ khác có liên quan.

Năm 1974, gia đình bà Nguyễn Thị Cảnh (mẹ ruột bà Xuân) khai hoang đất, định cư ở KP.Phước Vĩnh từ đó đến nay trên diện tích đất ổn định 1.460m2. Diện tích đất này sau đó thể hiện rõ trong hồ sơ đất đai năm 1987 được lưu giữ tại P.Đông Lương.

Để có căn cứ đền bù, chủ đầu tư dự án hợp đồng với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Quảng Trị, chi nhánh TP.Đông Hà xác định nguồn gốc, đo đạc, quy chủ đất bị giải tỏa, thu hồi kể trên. Theo đó, đơn vị này phối hợp với UBND P.Đông Lương, xác định cho gia đình bà Xuân có đất bị giải tỏa, thu hồi, đền bù như sau: Đất của bà Cảnh bị thu hồi, đền bù 3m2 trong số 251m2 đất ở (3/251m2), bà Xuân và ông Tăng (chồng bà Xuân) 188/497m2 đất ở; hỗ trợ 133/178m2 đất vườn và đất khác.

Điều đáng nói, khi bà Xuân không đồng ý với kết quả trên, khiếu nại và cầu cứu các cấp chính quyền thì UBND P.Đông Lương và các đơn vị liên quan tổ chức xác định lại đất lần 2 và lần 3 cho gia đình bà, đều cho ra những kết quả khác nhau. Cụ thể: Đất bị thu hồi, đền bù của bà Cảnh giữ nguyên, bà Xuân và ông Tăng từ 188/497m2 xuống 181/497m2 đất ở, hỗ trợ đất vườn và đất khác từ 133/178m2 lên 140/178m2 vào lần 2; 181/497m2 lên 242/497m2 đất ở vào lần 3 và không hỗ trợ đất vườn và đất khác. Tổng bồi thường đất ở mỗi lần cũng khác nhau, từ 930.830.000 đồng vào lần 2 lên 1.124.015.000 đồng vào lần 3.

Ông Lê Hải Đăng, Chủ tịch UBND P.Đông Lương giải thích: “Việc xác định đất bị giải tỏa, thu hồi, đền bù cho gia đình bà Xuân dựa trên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thị xã Đông Hà (nay TP.Đông Hà) cấp cho gia đình bà vào các năm 2003 và 2009, gồm 3 trường hợp cụ thể là bà Cảnh, bà Xuân và ông Tăng với các diện tích tương ứng 251m2 đất ở, 247m2 đất ở và 428m2 đất (trong đó 250m2 đất ở, 139m2 đất vườn, còn lại đất khác).

Giải thích kết quả xác định, thu hồi, đền bù đất cho gia đình bà Xuân, bên cạnh ông Đăng, các ông Lê Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đông Hà; Lê Văn Liên, Phó Giám đốc BQL dự án Sở GTVT tỉnh Quảng Trị đều đưa ra những số liệu, lý luận tương tự. 

Tuy nhiên, tìm hiểu qua thực tế và các văn bản, giấy tờ liên quan vụ việc, chúng tôi phát hiện ra một sự thật hoàn toàn ngược lại. Cụ thể, trên diện tích đất của gia đình bà Xuân thời điểm trước khi chưa bị giải tỏa, gồm có 5 khu nhà với tổng diện tích xây dựng 517,43m2. Số liệu này thể hiện cụ thể trên các bảng tính chi tiết công khai đối với gia đình bà Xuân do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đông Hà lập vào các ngày 4-8-2015 và 28-9-2015.

Khi được hỏi: Vì sao việc xác định đất này không dựa trên hồ sơ quản lý đất đai năm 1987 hiện đang được lưu giữ tại phường và thực tế đất gia đình bà Xuân đang sử dụng? Ông Lê Hải Đăng, Chủ tịch UBND P.Đông Lương cho rằng, do sự biến động về đất đai và thực tế tại thời điểm xác định, giải tỏa, thu hồi, đền bù đất, gia đình bà Xuân đã không sử dụng, quản lý chừng đó diện tích (1.460m2).

Như vậy, so sánh với tổng diện tích đất do các bên chủ đầu tư dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đông Hà và UBND P.Đông Lương xác định, đền bù cho gia đình bà Xuân, thì diện tích đất thực tế mà gia đình bà đáng ra phải được đền bù theo quy định của pháp luật là lớn hơn rất nhiều. Cụ thể là 517,43m2 đất như đã nói ở trên, không phải 323m2 (gồm 321m2 đất của gia đình bà Xuân và 3m2 đất của bà Cảnh). Do đất của gia đình bà Xuân ở từ trước năm 1980 nên phải căn cứ theo Chỉ thị 299/TTg của Chính phủ về việc đo đạc, phân hạng và đăng ký đất đai để đền bù. Theo đó, toàn bộ diện tích 517,43m2 đất xây dựng 5 khu nhà ở kể trên phải được đền bù theo giá đất ở, không phải chỉ bồi thường một phần đất ở, một phần đất vườn và phần khác hỗ trợ như Sở GTVT Quảng Trị và các đơn vị chức năng liên quan đã thực hiện.  

Ngoài ra, công trình đường nối cầu Đại Lộc với QL1A còn đi qua phần đất được xác định là 288m2 của gia đình bà Xuân, nhưng sau rất nhiều lần khiếu nại, Sở GTVT Quảng Trị mới chấp nhận bồi thường 198m2 là không đúng với thực tế và các quy định của pháp luật.

Chưa hết, không chỉ việc gây thiệt hại cho người dân thông qua việc xác định diện tích đất nhưng không đúng, việc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đông Hà kiểm kê tài sản bao gồm nhà cửa, tài sản khác trên đất và diện tích đất xây dựng nhà cửa, những công trình khác để đền bù cũng bất nhất, từ 2.185.645.000 đồng lần 1 lên 2.677.553.000 đồng lần 2 và lên 3.107.124.000 đồng lần 3.

Hoạt động xác định nguồn gốc, quy chủ và đền bù đất, cũng như kiểm kê tài sản trên đất bị giải tỏa, thu hồi cho người dân, thực tế đã diễn ra như việc “mua bán tôm cá ngoài chợ”, đã khiến không chỉ gia đình bà Xuân, mà còn nhiều hộ dân khác ở đây mất lòng tin, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị, UBND TP.Đông Hà và các đơn vị chức năng có liên quan giải quyết minh bạch, công tâm vụ việc kể trên cho gia đình bà Xuân, cũng như nhiều hộ dân khác bị giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng công trình phúc lợi xã hội.

Phan Thanh Bình

Bình luận (0)