Hội nhậpThế giới 24h

Đến đại bàng di cư cũng né Ukraine

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà khoa học phát hiện đại bàng đã thay đổi lộ trình di cư qua Ukraine để tránh giao tranh và vì môi trường sống của chúng có thể bị tổn hại hoặc bị phá hủy do xung đột.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những con đại bàng đốm lớn đã tránh những nguy hiểm bao gồm hỏa lực của pháo binh, chiến đấu cơ và xe tăng cũng như việc tập trung binh sĩ, theo Đài BBC. Thông thường loài đại bàng này bay qua Ukraine vào mỗi mùa xuân trên đường từ Hy Lạp và The Sudd – vùng đất ngập nước rộng lớn ở Nam Sudan – đến nơi sinh sản ở Belarus.
Đại bàng đốm lớn là loài chim săn mồi lớn. Chụp màn hình Msn.com

Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu GPS từ những con chim được gắn thẻ trong những tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, thời điểm giao tranh ác liệt ở miền bắc Ukraine khi quân đội Nga cố gắng giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv bằng cách đưa quân từ Belarus về phía nam.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Đời sống Estonia và Tổ chức Điểu học Anh đã đăng phát hiện của họ trên tạp chí Current Biology.

"Xung đột ở Ukraine đã có tác động tàn khốc đối với con người và môi trường. Phát hiện của chúng tôi cung cấp một góc nhìn hiếm hoi về mức độ ảnh hưởng của xung đột đến động vật hoang dã", tác giả chính Charlie Russell, nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia (Anh) cho hay.

Được phân loại là loài dễ bị tổn thương, đại bàng đốm lớn là loài chim săn mồi lớn, có màu nâu. Các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi chúng bằng thiết bị theo dõi GPS vào năm 2017 nhưng đã không mong sẽ theo dõi chúng qua vùng xung đột 5 năm sau đó.

Trong quá trình theo dõi, các nhà khoa học phát hiện các con đại bàng đã có những hướng di cư lệch bất thường so với các tuyến đường được theo dõi trước đó. Chúng cũng dành ít thời gian hơn để dừng lại ở các địa điểm dừng chân thông thường của chúng ở Ukraine hoặc tránh hoàn toàn các địa điểm này. Kết quả là chúng đi xa hơn, trung bình thêm khoảng 85 km.

Đối với các loài chim di cư, các điểm dừng chân là nơi cần thiết để lấy thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn.

Những thay đổi như trên đã trì hoãn việc chim đến nơi sinh sản và có thể khiến chúng sử dụng nhiều năng lượng hơn, dẫn tới một số tác hại.

Dù tất cả những con chim được gắn thẻ đều sống sót, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng việc chúng thay đổi lộ trình di cư xa hơn có thể đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng.

"Không còn nghi ngờ gì nữa về thực trạng này. Tôi nghĩ xung đột ở Ukraine về cơ bản đang phá vỡ hệ sinh thái di cư của loài này", Tiến sĩ Jim Reynolds về điểu học và bảo tồn động vật tại Đại học Birmingham (Anh) cho hay.

Các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh những phát hiện như trên đóng vai trò như một lời nhắc nhở quan trọng rằng tác động của xung đột vũ trang là rất rộng và vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt, theo tờ The Telegraph.

Theo Văn Khoa/TNO

 

Bình luận (0)