Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đèn dầu cắm bản ở Xa Rường

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ chơi hiếm hoi của các em khi có thầy dạy thể dục hướng dẫn

Nằm cách trục đường trải nhựa ở trung tâm xã khoảng 6km tính theo đường chim bay nhưng đường đến thôn Xa Rường, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quả là một hành trình gian khổ khi phải vượt qua gần chục đèo cao và suối sâu.
Đêm đêm trong các căn lều vách ván tạm bợ, những ngọn đèn dầu leo lắt được thắp lên, hắt bóng người giáo viên cắm bản xiêu vẹo trên vách theo từng luồng gió thổi… Hơn 10 năm qua, những ngọn đèn dầu ấy vẫn lặng lẽ đỏ bởi tấm lòng và sự kiên trì của những thầy cô cắm bản!
Thôn ba không
Nắng. Cái nắng đầu hạ mang theo hơi nóng của những trận gió Lào quất rát mặt. Theo kinh nghiệm chỉ dẫn của những người dân bản địa, nên vừa xuống xe ngay từ điểm cuối con đường nhựa – nơi chuẩn bị rẽ vào thôn Xa Rường – chúng tôi nhanh chóng lên đường để tránh những cơn mưa giông bất ngờ chia cắt suối. Mất hơn 2 giờ cuốc bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân được đến điểm trường lẻ Xa Rường. Đón chúng tôi bằng nụ cười thật tươi, xua tan cái mệt nhọc, thầy Hồ Văn Bút nói: “Đấy là do lạ đường nên mọi người thấy mệt và xa chớ có nhiều điểm lẻ phải đi mất gần cả ngày trời mới tới”.
Thôn Xa Rường chỉ vỏn vẹn có 21 hộ dân, người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ làm những vách nhà sàn chênh vênh bên bờ suối hay thung lũng đất bằng và sống quây quần như thế suốt hàng chục năm qua. Với họ, khái niệm an cư thuộc về nơi nào có nhiều chim thú và trồng được cây lúa rẫy để kiếm sống. Khoảng ba năm trở lại đây, khi cuộc sống bắt đầu thông thương với thế giới bên ngoài, người dân trong bản đã huy động nhau tự mở một con đường đất từ trung tâm về bản. Đường rộng chưa đầy 1m, có nơi hẹp hơn, men theo rừng với không ít những con dốc dựng đứng. Mang tiếng là đường nhưng chỉ có thể dành cho người đi bộ, còn với các loại xe gắn máy muốn đi qua đòi hỏi người cầm lái phải liều và chấp nhận rủi ro. Tất nhiên, không ai dám đánh cược mạng sống của mình chỉ vì nhanh hay chậm hơn mấy chục phút đồng hồ! Nhớ lại, thầy Hoàng Đức – giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Hướng Tân, từng vào bản Xa Rường giảng dạy hai năm – nói: “Hồi mới vào vì thời gian gấp quá nên tôi liều đi xe máy. Ai ngờ mới đi được nửa đường mưa lớn bất ngờ ập xuống, cuốn trôi cả xe, đến hôm sau nước rút mới thấy xe mắc ở một hốc đá lớn”.
Không điện, không đường, không trạm xá, chợ càng là khái niệm xa vời nên cuộc sống của các giáo viên cắm bản phần lớn là tự cung tự cấp, và bộn bề khó khăn. Gạo, cá khô, mì và một số nhu yếu phẩm khác… được các giáo viên chuẩn bị từng bao nhỏ, cõng vào bản dự trữ từ đầu tuần. Tuy nhiên không phải lúc nào tính toán của các thầy cô giáo cũng “vừa vặn”, có nhiều lúc lũ lớn bỗng ập về, những con suối nước cao chia cắt đường ra ngoài cả tháng trời. Thế là gạo hết, thức ăn hết, dầu thắp hết. Giáo án tranh thủ soạn ban trưa, bữa cơm thay bằng sắn mì, rau rừng, chuối xanh và vài lon gạo tẻ do bà con mang đến cứu trợ. Còn ốm đau? Cô Dương Thị Hạnh, giáo viên điểm trường lẻ mầm non, cho biết: “Ở đây thông thường nếu các cháu ốm cảm sốt sơ sơ thì các mẹ tìm đến nhờ cô giáo mua thuốc ngoài thị trấn mang vào. Ca nào nặng lắm mới đưa đến bệnh viện vì đường sá đi lại vất vả”.
Nghĩa tình người cắm bản
Điểm trường lẻ Xa Rường có 5 lớp tiểu học với tổng số 25 học sinh, trong đó có 2 lớp ghép là 2, 3 và 4, 5.  Ngoài ra còn có một lớp mầm non với khoảng 15 cháu được tăng cường luân phiên hai cô phụ trách. Ba thầy Hồ Văn Bút, Hồ Xuân Trường và Nguyễn Xuân Hùng là những giáo viên có thâm niên gắn bó với bản từ mười mấy năm nay. Ba giáo viên nam, cộng với hai cô giáo mầm non tá túc trong một căn nhà sàn bằng gỗ cũ nát, rộng chừng 30m2, mối ăn mòn chân cột; những chiếc giường ngủ được ghép tạm từ bàn học sinh. Thầy Trường chỉ vào hai chiếc đèn dầu để ngay ngắn trên bàn nói: “Tài sản quý nhất của chúng tôi đấy”. Ở đây, các giáo viên đã quen nếp sinh hoạt thích ứng với hoàn cảnh, bữa cơm tối thường phải cố gắng ăn lúc 5 giờ chiều để tiết kiệm đèn dầu. Đêm về phải tập quen với bóng tối mù mịt, bên ánh đèn dầu chập chờn đánh vật với trang giáo án ngày mai. Chỗ nằm của các thầy cô sau mỗi đêm rừng chỉ khô mỗi nơi đặt lưng. Có nhiều bữa thầy trò đang say sưa dạy – học, cơn bão lớn bỗng dưng ập đến, ngôi trường gỗ đung đưa theo gió, thầy trò ngồi ôm nhau thu lu dưới gầm bàn chờ cơn cuồng nộ đi qua.
Ở bản ngót 13 năm, thầy Bút nhớ như in ngày đầu băng rừng lội suối lên với dân bản, thầy bảo, bây giờ sướng hơn nhiều vì ít ra còn có đường để đi. Để có lớp mầm non cho các cháu học, bà con dân bản cử người về trung tâm xã cõng tôn lên lợp nhà. Người dân tha thiết với cái chữ là thế, nên khó khăn mấy, các thầy cô giáo cũng không nỡ bỏ cuộc giữa chừng. Một lí do khác “níu chân” các thầy cô đó là dạy học ở xứ này, đôi khi người thầy cũng phải ngậm ngùi tiễn những em học trò ngoan về… nhà chồng. Đó là hủ tục vì gia đình còn cố chấp lưu giữ. Động viên học trò, người thầy cũng rơi nước mắt.
Những người như thầy Bút, thầy Trường… tình nguyện ở lại hàng chục năm trời, đều có tâm sự rất chân thành:  “Mình là con em đồng bào, hiểu dân bản. Về gần nhà cũng thuận lợi thật, nhưng nếu không ai muốn ở lại thì các em lấy ai dạy chữ?”.
Vĩnh Yên – Thanh Lê
Không điện, không đường, không trạm xá, chợ càng là khái niệm xa vời nên cuộc sống của các giáo viên cắm bản phần lớn là tự cung tự cấp.
 

Bình luận (0)