Sự kiện giáo dụcTin tức

“Đến giờ này không còn phụ huynh nào nói chương trình mới nặng nề nữa”

Tạp Chí Giáo Dục

Chia sẻ này được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đưa ra trong Hội nghị trực tuyến Sơ kết Học kỳ I năm học 2020-2021 cấp Tiểu học TP. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP nhận định, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc lớp 1, bất kỳ đổi mới nào đều có những khó khăn, trong đó nổi lên việc điều chỉnh quá trình dạy học. Thời lượng số tiết, số giờ ở mônt tiếng Việt khá cao so với chương trình cũ, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh về số lượng từ trong một tuần, một tháng. Sở GD, các cơ sở giáo dục TP đã kịp thời tháo gỡ. “Đến giờ này không còn phụ huynh nào nói căng thẳng nữa, không còn ai nói chương trình mới nặng nề nữa”, ông Hiếu cho hay.


Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo, năm học 2020-2021, toàn TP có 554 trường TH, tỷ lệ số trường học 2 buổi/ngày là 96,4% (534 trường). Năm đầu tiên chương trình GDPT 2018 được thực hiện ở bậc học lớp 1, Giáo dục Tiểu học TP đã có nhiều nỗ lực, vừa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm triển khai chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh ở các khối lớp 2,3,4,5, vừa tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, SGK ở bậc học lớp 1, song song hoàn thành các điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình lớp 2 theo chương trình GDPT 2018 trong năm học kế tiếp.

Định hướng trong HKII tới, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các phòng GD-ĐT quan tâm đến tiến độ lựa chọn SGK của các nhà trương. Cần quan tâm đặc biệt đến học sinh lớp 5, xây dựng kế hoạch giáo dục, triển khai để các em tiếp cận thuận lợi với chương trình mới năm học tới. “Đặc biệt sau thời gian học sinh học trực tuyến, nhà trường, giáo viên không được chủ quan, hết sức chủ động, làm sao để tất cả học sinh có học trực tuyến hay không trực tuyến đều bước vào bài học mới trên tinh thần đã nắm chắc nội dung cũ, sẵn sàng tiếp cận kiến thức mới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở GD chỉ rõ, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần phải phân ra những chặng để giúp học sinh đạt được năng lực, phẩm chất theo định hướng chương trình. Đề kiểm tra, đánh giá, xây dựng ma trận đề phải thống nhất theo đúng định hướng. Quan trọng đề kiểm tra phải vừa sức, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế, đề có thể mở nhưng mở ở mức phù hợp, chứ không phải ra những đề rất thời sự nhưng lại không phù hợp với lứa tuổi của học sinh, gây phản cảm. Trong HKII, các nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh việc dạy học chương trình GDPT hiện hành theo tinh thần tiếp cận chương trình GDPT 2018, nhất là lớp 5. Hiệu trưởng nhà trường phải sâu sát quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên, có sự giám sát, kiểm tra đồng thời rà soát, báo cáo số liệu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để cung ứng đầy đủ thiết bị dạy học cho năm học mới.

Về xây dựng mô hình trường tiên tiến hiện đại theo xu thế hội nhập, ông Hiếu cho hay vấn đề này Sở và các ban ngành đang tiếp tục tham mưu cho UBND TP. TP.HCM không thể dùng tiêu chuẩn chung của cả nước về diện tích đất, diện tích sân chơi bãi tập theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT. Do vậy, tiêu chí xây dựng trường tiên tiến hiện đại sẽ chủ yếu xây dựng trên tiêu chí học tập chứ không phải là các điều kiện sinh hoạt, sẽ không áp dụng tập trung cứng nhắc. Ngoài ra, Sở cũng đã tham mưu UBND TP, để có chế độ bổ sung hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1 dạy 2 buổi/ ngày.

Tin, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)