Một mùa tuyển sinh mới đã đến. Không chỉ các trường cao đẳng, đại học ra thông báo tuyển sinh mà hầu hết các trường dạy nghề cũng đã bắt đầu mùa tuyển sinh mới và lại gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu thống kê mới đây trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đào tạo ngắn hạn chiếm đến 90% quy mô đào tạo của các trường dạy nghề. Đào tạo ngắn hạn chiếm tỷ lệ vượt trội như vậy là do thiếu học viên đăng ký tuyển sinh cho các khóa đào tạo dài hạn. Kết quả nhiều năm trước cho thấy, học viên đào tạo nghề dài hạn ra trường khó xin việc làm. Chính vì thế, các trường phải tuyển sinh đào tạo ngắn hạn để "lấy ngắn nuôi dài". Nhưng điều đáng chú ý là nhiều học viên sau khi ra trường vẫn không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, không được doanh nghiệp chấp nhận. Và đương nhiên, học xong, khó tìm việc thì ai dám đăng ký học.
Nhiều người lao động cho rằng, hiện một số trường vẫn dạy theo kiểu "tận dụng". Nghĩa là có gì dạy nấy, tiện gì dạy nấy mà ít quan tâm khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động. Hơn thế nữa, phương pháp giảng dạy không được đổi mới, lĩnh vực đào tạo không được mở rộng cho hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Như thế sẽ dẫn đến có nơi phải đóng cửa trường, tự loại mình ra khỏi hệ thống đào tạo nghề. Và cuối cùng, khó khăn trong tuyển sinh là đương nhiên.
Không đào tạo nghề theo được nhu cầu thị trường, không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, tận dụng đào tạo ngắn hạn, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động là cái vòng luẩn quẩn ở một số trường nghề. Nếu không nâng cao chất lượng đào tạo thì đến mỗi mùa tuyển sinh, các trường nghề lại gặp khó là điều dễ hiểu
Người Lao Động
Bình luận (0)