Nhiều đầu sách mới sẽ cùng lúc được ra mắt tại Hội sách TP HCM năm nay nhưng cũng chưa hứa hẹn gì cho văn đàn
Từ Cà Mau, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết chị đang mong đợi đến Hội sách TP HCM lần VIII (sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 30-3 tại Công viên Lê Văn Tám) để “tha hồ chọn sách”. Đây cũng là dịp các đơn vị xuất bản, công ty sách nỗ lực, tập trung phát hành những đầu sách mới. Nhờ vậy, không khí văn chương được khuấy động sau một thời gian dài tưởng chừng bị lãng quên giữa quá nhiều chương trình giải trí, hoạt động của văn hóa nghe nhìn.
Nhiều đầu sách trình làng
So về tên tuổi cũng như lượng sách phát hành từ những đầu sách trước, có lẽ Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư là hai tên tuổi được mong đợi nhất.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết chị cũng sẽ tái xuất tại hội sách lần này với tập truyện ngắn Đảo (NXB Trẻ ấn hành). “Mấy năm nay viết thơ, tạp văn bây giờ phải đến lượt tập truyện thôi. Khác với những tác phẩm trước đây, tôi viết Đảo theo kiểu “đánh nhanh rút gọn”, mỗi truyện sẽ không quá 2.000 chữ. Xem như là một thử nghiệm lạ trong cách viết” – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dí dỏm cho biết.
Một số đầu sách sẽ ra mắt trong Hội sách TP HCM lần 8
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có Chúc một ngày tốt lành. Tác phẩm chính thức được phát hành ngày 6-3 nhưng trước đó, 35.000 bản in bìa mềm cùng 3.000 bản bìa cứng đã được các nhà phát hành đặt mua hết, NXB Trẻ phải cho in nối bản tiếp 15.000 bản để kịp thời phục vụ bạn đọc. Trở lại với độc giả sau Ngồi khóc trên cây, câu chuyện lần này của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ là cuộc hội ngộ của nhiều nhân vật loài vật: heo, chó, gà…. Cuốn sách tiếp tục hứa hẹn là một thế giới trong trẻo dí dỏm và để lại nhiều ý nghĩa dành cho độc giả thiếu nhi và cả người lớn.
Văn đàn cũng chào đón sự trở lại của hai nhà văn Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc với các tác phẩm nóng hổi vừa được NXB Văn hóa – Văn nghệ cho ra lò. Nhà văn Tiến Đạt, sau thời gian im hơi lặng tiếng, cũng bất ngờ trình làng hai tác phẩm hứa hẹn thú vị: Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân và Sự quyến rũ của bước chân…
Các đơn vị làm sách rất biết cách tranh thủ “mùa vàng” hội sách để cho những đầu sách đổ bộ đúng thời điểm. Hội sách là cánh cửa mở hội tụ đông đảo tác phẩm mới nhưng nói như thế không có nghĩa là sẽ tìm thấy từ hội sách những tác phẩm bất ngờ vụt sáng. Đó chỉ tạm gọi là “sách vào hội”, phục vụ kịp thời cho nhu cầu của độc giả cũng như là dịp giới văn chương được hội ngộ, trình làng những tác phẩm riêng. Bởi trong cuộc hội tụ quy mô này, văn học trong nước không hoàn toàn là điểm sáng thu hút trước những đầu sách có giá trị, best-seller của nước ngoài.
Đông đảo nhưng thiếu tầm
Mặc dù chưa phải là những tên tuổi đủ sức khuấy động văn đàn bằng những tác phẩm tầm cỡ nhưng chính những ngòi bút trẻ mới góp phần làm nên sự sôi động cho văn chương bằng niềm đam mê sáng tác, kiên trì và nỗ lực bền bỉ với con đường khó đi này. Số lượng sách của những người viết trẻ ra mắt trong năm có thể… cạnh tranh áp đảo cả những nhà văn có tên tuổi. NXB Trẻ hoan hỉ cho biết sau đợt giới thiệu 5 cuốn sách đầu tiên dự giải Văn học Tuổi 20, đơn vị đang chuẩn bị giới thiệu tiếp 7 tác phẩm mới, cũng phong phú thể loại, đa dạng đề tài. “Không phải là những tác phẩm quá xuất sắc nhưng đó là những câu chuyện xứng đáng được in thành sách, phục vụ độc giả trẻ” – bà Minh Phúc, đại diện NXB Trẻ, nhận định.
Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, cũng cho biết điểm nhấn của đơn vị tại Hội sách TP HCM năm nay chính là Tủ sách 8X với 14 tác phẩm của những cây bút trẻ. “Người trẻ càng lúc càng viết lên tay, nhiều tác phẩm chuyển tải được các vấn đề của hiện thực xã hội, thể hiện được khát vọng của người trẻ trong khao khát khám phá cuộc sống, khám phá bản thân” – bà Hạnh nói.
Phương Nam Books là “bà đỡ” thường xuyên cho các ngòi bút trẻ, thời gian qua cũng đã phát hành khá nhiều tác phẩm được quan tâm. Sắp tới sẽ là một loạt sách của người trẻ đa dạng đề tài, thể loại được phát hành. Đặc biệt nhất là cây bút trẻ Anh Khang với những cuốn sách chạm đúng vào những ngóc ngách tâm hồn của người trẻ ở đô thị đã bắt nhịp được cảm xúc của độc giả cùng thế hệ. Anh Khang là một trong số ít cây bút trẻ có sách phát hành đến hàng chục ngàn bản in.
Người trẻ cũng gầy dựng được những nấc thang cho riêng mình, như Trần Minh Hợp từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP HCM về mảng văn trẻ với tác phẩm Cô gái bán ô màu đỏ. Tuy nhiên, các tác phẩm dù đoạt giải hay bán chạy vẫn chỉ được xếp vào “chiếu văn trẻ”. Không có tác phẩm nào được mang ra bàn luận, tọa đàm như một cách chính thức công nhận tầm ảnh hưởng trên văn đàn. Nhà văn Phan Hồn Nhiên nói: “Cần cho người viết trẻ có thời gian để khẳng định mình”. Bởi một thực tế chính người trẻ cũng phải thừa nhận họ luôn có đủ niềm đam mê, kiên trì sáng tạo bền bỉ nhưng lại chưa đủ tầm để phản ánh những điều lớn lao hơn của cuộc sống. Người trẻ viết cho người trẻ đọc, tác phẩm chưa thể chạm đến được kỳ vọng gây “xôn xao dư luận” như những người cầm bút tên tuổi đã từng làm.
Tiểu thuyết, truyện không phải là lựa chọn hàng đầu
Thực tế, tiểu thuyết – truyện ngắn không phải là lựa chọn hàng đầu khi thực tiễn cuộc sống đặt ra những yêu cầu, lựa chọn mới. Có khá nhiều đầu sách best-seller trong những năm qua thiên về mảng kỹ năng sống, tự truyện. Các đơn vị làm sách cũng rất chú trọng khai thác mảng sách này. Đây cũng có thể gọi là “theo thị hiếu độc giả” nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác, các đầu sách dạng này rõ ràng thu hút ở sự chân thực, sống động và tính hữu dụng, để lại những ý nghĩa sống cần thiết cho người đọc.
Theo NLĐ
Bình luận (0)