Y tế - Văn hóaThư giãn

Đèn không hắt bóng diễn trên đầu khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 Nói tới đạo diễn Minh Hải là nhớ ngay một phong cách dàn dựng sân khấu mạnh mẽ, nam tính, vững chãi. Đèn không hắt bóng là vở kịch ấn tượng tại 5B với nỗi buồn sâu thẳm nhưng hấp dẫn như chính anh chàng bác sĩ Naoe.


Hoàng Trinh vai Noriko – Ảnh: M.Châu
Dời điểm diễn đến 3 lần
Hai năm sau khi dựng vở Ký ức với một ấn tượng khó quên năm 1991, đạo diễn Minh Hải làm Đèn không hắt bóng do Ái Như – Thành Hội chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Watanabe Junichi.
Hiện nay nhiều người vẫn ấn tượng với vở này tại sân khấu 5B, nhưng có một sự thật hơi “phũ phàng” là ban đầu Đèn không hắt bóng không phải dựng ở 5B, mà nó đã trôi nổi mấy năm trời không tìm được chốn nương thân. Và đạo diễn Hữu Luân mới chính là người đỡ đầu cho vở diễn này. Anh nằm trong Ban quản lý Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM, là một đạo diễn rất “máu lửa”, bỏ kinh phí ra cho Minh Hải dàn dựng rồi đem diễn tại Nhà hát TP.HCM, một địa điểm sang trọng bậc nhất. Minh Hải tự tay thiết kế cảnh trí thật hoành tráng, lung linh, để xứng tầm với một không gian như vậy.
Ngày phúc khảo, anh em chuẩn bị đâu đó xong xuôi thì đùng một cái, nghe tin là Sở VHTT không xuống duyệt. Lý do: sợ những cảnh ân ái như trong tiểu thuyết sẽ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Minh Hải và mấy chục anh em nghệ sĩ, hậu đài, âm thanh, ánh sáng đứng chết trân, rồi òa khóc ngon lành. Đến chừng dọn dẹp xong, bước ra thềm nhà hát ngồi chờ xe, lại khóc lần nữa. Không thể tưởng tượng nổi những đàn ông con trai mạnh mẽ thế kia mà có thể rơi nước mắt như mưa. Minh Hải nói: “Tức quá mà. Tủi thân nữa. Từ sách tới kịch là khác nhau chứ, tôi dàn dựng không hề có những cảnh quá đáng, quan trọng là chủ đề tư tưởng của tác phẩm mới hấp dẫn người ta. Thà Sở đi xem rồi nhận xét, đằng này Sở chưa xem mà đã đoán này đoán nọ nên tụi tôi tức”. Và Minh Hải đã “thề” với anh em rằng: “Bất cứ giá nào tôi cũng sẽ làm lại vở này cho mọi người diễn”.
Đèn không hắt bóng diễn “trên đầu” khán giả 2
Tấn Thành – Tú Trinh – Ảnh: M.Châu 
Đạo diễn Hữu Luân ngậm cay nuốt đắng không kém nghệ sĩ, và anh kéo vở về Nhà văn hóa Thanh Niên diễn được mấy suất. Lúc này Lê Công Tuấn Anh đóng vai bác sĩ Kôbasi với gương mặt rất thánh thiện, đúng y như sự trong trẻo của Kôbasi khi mới bước vào ngành y, đối diện với bao nhiêu khuất tất đau lòng mà một bệnh viện như một xã hội thu nhỏ có thể quật ngã những lý tưởng cao đẹp của người trẻ. Lê Công Tuấn Anh đang là một ngôi sao sân khấu lẫn điện ảnh, cứ xuất hiện là khán giả vỗ tay, say đắm. Còn Tấn Thành vai chính, bác sĩ Naoe, với gương mặt vừa hấp dẫn bởi nét nam tính, vừa đầy bí ẩn, sâu sắc, khôn ngoan. Tấn Thành cũng là một ngôi sao chính kịch được nể nang, vì anh đóng toàn những vai nặng ký như thế. Và thực sự cho đến bây giờ chưa ai có thể thay thế được Tấn Thành trong vai Naoe.
Nhưng Nhà văn hóa Thanh Niên cũng không phải là sân khấu chuyên nghiệp, cho nên vở lại tạm “cất kho”. Cho đến năm 1996, 5B mới chính thức đầu tư cho Đèn không hắt bóng. Quả thật, khi vở công diễn, suất nào cũng bán vé không còn một chỗ. Thực sự lúc ấy 5B đã thu hút khán giả lắm rồi, bởi hàng loạt vở hay và rất nhiều nghệ sĩ trẻ giỏi nghề, nhưng Đèn không hắt bóng gây xôn xao bởi vì đó là quyển tiểu thuyết mà khán giả Việt Nam ái mộ vô cùng, và họ muốn nhìn thấy nó trên sân khấu thử xem như thế nào. Cái thời người ta mê sách, mê văn học, mê cả sân khấu, nên cái gì cũng bừng bừng, rộn rã. Minh Hải bồi hồi nói: “Tôi may mắn được làm nghề ngay trong cái thời tươi đẹp như thế nên mới cất cánh được”. Năm ấy anh mới hai mươi mấy tuổi, bay vào vùng trời nghệ thuật với tất cả say mê và trong trắng.
Diễn “trên đầu” khán giả
Vở Đèn không hắt bóng được đặt “biệt danh” như thế bởi cách dàn dựng sáng tạo và táo bạo của Minh Hải. Về 5B, Minh Hải phải sửa lại trang trí cho phù hợp với sân khấu nhỏ, và cũng tự anh mày mò thiết kế. Vì khán phòng chật nên không thể làm được cảnh bờ hồ nơi bác sĩ Naoe nhảy xuống kết liễu cuộc đời. Minh Hải bèn thiết kế hai dàn sắt rất cao cho diễn viên đứng, có đường ray kéo ra kéo vào. Hồi ấy thiếu thốn rất nhiều về kỹ thuật mà làm được như thế đã là quá hay. Khi hai dàn sắt từ từ xuất hiện, khán giả ngỡ ngàng vì nó lạ và đẹp, diễn viên đứng trên cao có cảm giác chơi vơi, lẻ loi, cô độc như chính nội dung kịch bản, hình tượng nhân vật. Và bác sĩ Naoe đứng trên một bờ hồ, còn cô y tá Noriko đứng một bên bờ hồ khác, họ chừng như rất gần nhau mà không với tới được, càng tạo cảm giác chia ly đau đớn, níu kéo tuyệt vọng. Mọi người òa lên, nước mắt chảy dài.
Dĩ nhiên là khán giả muốn xem thì phải… ngước lên nhìn. Cho nên gọi vở kịch này là “diễn trên đầu khán giả” không sai tí nào. Tuy diễn trên đầu, nhưng khán giả vẫn xem rất rõ, do tài tính toán của Minh Hải. Anh còn tính giỏi đến độ cho nhân viên hậu đài leo lên thang thật cao đứng sẵn phía sau, chuẩn bị kéo một tấm màn đen tuyền, đúng lúc dàn sắt đi ngang thì đèn chớp một cái để bác sĩ Naoe “biến mất”. Đó là sử dụng hiệu ứng thị giác, khi đèn tắt phụt thật nhanh rồi mở lại thì mắt khán giả chưa kịp bắt ánh sáng, sẽ không thấy được Naoe đã lách mình vào chiếc màn đen “biến mất” như ảo thuật. Làm như vậy để tả cảnh Naoe nhảy xuống hồ mà dàn sắt vẫn chầm chậm trôi qua như không có chuyện gì, và Noriko xuất hiện ở đầu bên kia, cũng chầm chậm trôi qua, tuyệt vọng kiếm tìm. Khán giả vỗ tay nhưng ngơ ngác không biết Naoe biến vào đường nào trong tích tắc như thế.
Đèn không hắt bóng diễn “trên đầu” khán giả 3
Công Danh (vai Naoe), Vân Anh (vai Noriko) trên sân khấu Hoàng Thái Thanh hiện tại – Ảnh: H.K
Một kỷ niệm khá buồn là khi về 5B thì Đèn không hắt bóng không còn Lê Công Tuấn Anh vì ngôi sao điện ảnh này đã ra đi vĩnh viễn với một đám tang đông đúc không thể tưởng tượng. Hàng chục ngàn người đưa tiễn Lê Công chật kín các nẻo đường, kết thúc luôn hình ảnh Kôbasi mà Minh Hải đã dày công tuyển chọn.
May sao, xuất hiện một gương mặt mới để Minh Hải thay vai và thành công không kém. Đó là diễn viên Minh Trí, cũng dáng vẻ thanh lịch, gương mặt hiền lành, trong sáng, mặc chiếc áo blouse trắng vào thì rõ ràng đúng một Kobasi như người ta kỳ vọng. Vai diễn này đã làm Minh Trí bật sáng. Và Tuyết Thu thì thay vai cho Hoàng Trinh trong nhân vật Noriko. Còn nghệ sĩ Tú Trinh và Thành Hội vẫn giữ nguyên vai vợ chồng ông viện trưởng ham lợi, ham tình. Tú Trinh diễn quá tuyệt vời, sắc sảo, tung hứng cùng một Thành Hội rất “bợm”, lật hết những thói giả dối, thủ đoạn của một xã hội bị đồng tiền tha hóa. Và tác giả Ái Như thì bất ngờ tung chiêu hài làm khán giả giật mình. Cô y tá lanh chanh, hậu đậu của Ái Như làm một điểm nhấn vui vẻ sau những lớp diễn căng thẳng.
Minh Hải nhớ lại những ngày tháng ấy, tất cả anh em cùng ăn, cùng ở, cùng làm, sống chết chỉ có một thứ là “sân khấu”. Minh Hải có cha mẹ ngay tại thành phố nhưng anh không về nhà mà “đi bụi” cùng với Việt Anh, Phú Hải, Hồng Phúc… Cả “băng” nghệ sĩ trẻ này “đóng đô” ở 5B, tối ngủ lăn ra trên sàn diễn, ban ngày thì tập tuồng, dựng vở, hoặc tự tay làm đạo cụ, cảnh trí, rồi uống cà phê, ăn cơm vỉa hè, mà lúc nào cũng bàn chuyện nghề nghiệp. Minh Hải nói: “Thời đó tụi tôi ngồi đâu cũng nói chuyện nghề, thông tin cho nhau, bàn vở này vở kia, lớp diễn này, lớp diễn nọ sao cho hay, cho đắt. Không biết đến chuyện gì khác như kinh doanh, làm giàu…
Cát sê hằng đêm chỉ vừa đủ ăn cơm bụi, chẳng hề nghĩ đến tích lũy. Đến khi Việt Anh cưới Phương Linh thì hai vợ chồng hắn được phân một phòng tập thể ở 5B, hắn mới giãn tụi tôi ra”. Kỷ niệm của Đèn không hắt bóng còn là kỷ niệm bụi đời của Minh Hải với đám bạn nghệ sĩ mà sau này tất cả đều thành danh rực rỡ. Hồng Phúc đạo diễn cho vở Tình nghệ sĩ vang dội ở Nhà hát Hòa Bình. Đỗ Phú Hải đạo diễn cho nhiều phim hay ở HTV. Việt Anh thành nghệ sĩ ưu tú đắt sô vô cùng. Còn Minh Hải mười mấy năm nay cũng về Đài truyền hình TP.HCM phụ trách sân khấu. Và Đèn không hắt bóng vừa được đạo diễn Ái Như – Thành Hội đem về Sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng lại cho lớp trẻ biểu diễn, đẹp theo kiểu khác, mềm mại hơn. Nhưng dấu ấn mạnh mẽ, đầy nam tính của Minh Hải không thể nào phai trong ký ức người yêu sân khấu.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)