Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đến lúc tính chuyện mở cửa kinh tế TP.HCM: Không thể tổ chức mỗi doanh nghiệp thành một pháo đài

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam phải sống chung với dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều ủng hộ quan điểm này và gợi ý nhiều phương án mở cửa kinh tế trở lại cho phù hợp.
Cần thiết mở cửa lại hoạt động kinh tế /// T.Xuân
Cần thiết mở cửa lại hoạt động kinh tế. T.XUÂN
Chuỗi sản xuất cần được tiếp tục
TS.Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol (Anh) – cho rằng giải pháp để mở cửa kinh tế trở lại cũng đã được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đề xuất. Đó là phải thực hiện tiêm vắc xin cho công nhân và cho họ hoạt động trở lại mà không cần phải tuân thủ 3 tại chỗ. Vấn đề 3 tại chỗ gây trở ngại và tốn kém cho nhiều doanh nghiệp đã được phản ánh, và nhiều doanh nghiệp không có điều kiện để thực hiện nó. Vì vậy, cần có chiến lược hợp lý hơn để tái khôi phục sản xuất, sao cho nhiều doanh nghiệp nhất có thể hoạt động được. Nếu chỉ số ít doanh nghiệp được khôi phục, nhưng các nhà cung ứng của họ, đối tác vận chuyển… đều không vận hành được thì cả chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy. Thái Lan đang triển khai thử mô hình sandbox (cơ chế thử nghiệm) sản xuất nhưng về cơ bản cũng không ngoài nguyên tắc tiêm vắc xin và thực hiện test thường xuyên. Người bị phát hiện lây nhiễm thì nghỉ, người không lây nhiễm tiếp tục làm việc. Đó là cách mà các chuỗi sản xuất cần phải được tiếp tục. Nếu chỉ vì một ca bệnh mà cả một ekip phải nghỉ hay đóng xưởng sản xuất đó thì đổ vỡ chuỗi cung ứng sẽ diễn ra, nhất là trong giai đoạn cần hoàn thành các đơn hàng dịp lễ Giáng sinh cho phương Tây sắp đến. Đối với những nơi bùng dịch nặng thường là nơi tập trung dân số đông, là trung tâm sản xuất như TP.HCM nên phải có một tư duy khác.
TS.Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh, rất khó để họ có thể sạch bóng virus. DN không thể được tổ chức thành các “pháo đài” biệt lập, vì chuỗi cung ứng bản chất là phải kết nối khắp nơi. Việc tổ chức thành những pháo đài sẽ dễ dẫn đến tình trạng chặn xe vận chuyển, làm trì trệ thậm chí là tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Vì vậy, với những thành phố lớn, trung tâm sản xuất đã bùng dịch nặng, cần phải chi viện tối đa nguồn lực tài chính và y tế để thành lập các khu cách ly tập trung để người bệnh không lây lan ngay trong nơi ở của mình (thường là ở chung với nhiều công nhân khác), tránh tạo ra các ổ bệnh tại nơi ở của công nhân. Quan trọng là không thể tư duy chỉ biết quy trách nhiệm cho doanh nghiệp khi bị bùng dịch. Hơn ai hết, doanh nghiệp là người sợ bùng dịch nhất và họ sẽ cố gắng cao nhất để chống dịch để duy trì sản xuất và bảo vệ sinh mạng nhân công. Hãy tạo ra động lực khuyến khích kinh tế cho công ty sản xuất an toàn như giảm, miễn chi phí thuê đất, hỗ trợ tín dụng… "Nếu Việt Nam không khôi phục được sản xuất vào ngày 15.9 tới đây, chúng ta có nguy cơ bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu ở một trong những giai đoạn sản xuất quan trọng nhất của một năm. Sau đó chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để lấy lại vị trí của mình. Chưa kể trong thời gian đó, những tổn thất về kinh tế và xã hội do không có đơn hàng dẫn đến công nhân thất nghiệp gây ra sẽ rất đáng kể", TS.Hồ Quốc Tuấn chia sẻ thêm.
Xem xét mở ngay lại các chợ đầu mối và chợ nhỏ
Đến lúc tính chuyện mở cửa kinh tế TP.HCM: Không thể tổ chức mỗi doanh nghiệp thành một pháo đài - ảnh 1
TS.Lý Ngọc Điệp, Trưởng nhóm kinh tế – dự án TP.HCM thuộc Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu, nhận định mọi kịch bản phục hồi kinh tế, tái tạo việc làm… đều phải xây dựng trên yếu tố là khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Theo kinh nghiệm của các nước đi trước như Singapore, Mỹ, New Zealand…, việc mở cửa lại hoạt động kinh tế chia làm 3 giai đoạn và đều tùy theo khuyến nghị của bên y tế. Chẳng hạn, giai đoạn 1 sẽ mở cửa các ngành thiết yếu không tụ tập đông người, không cần tiếp xúc nhiều với khách; Bắt buộc giãn cách 2m, tránh tập trung dưới 10 người, bắt buộc đeo khẩu trang; Tăng cường giao dịch online, giao hàng tận nơi hoặc nhận hàng tại chỗ… Đến giai đoạn 2 thì các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như bán lẻ, ăn uống, du lịch, rạp chiếu phim… được phép mở cửa nếu đảm bảo quy tắc giãn cách và vệ sinh an toàn. Tuy nhiên các biện pháp về biên giới vẫn được thắt chặt; các sự kiện quy mô lớn hơn 100 người bị hủy bỏ hoặc hạn chế quy mô; người dân được yêu cầu làm việc từ xa, hạn chế di chuyển và tiếp xúc xã hội. Giai đoạn 3 là người dân được khuyến khích làm việc từ xa; các sự kiện xã hội quy mô nhỏ hoặc có phương án giãn cách an toàn được phép mở lại; các hoạt động kinh doanh không thiết yếu được phép mở cửa hoàn toàn trong điều kiện đảm bảo giãn cách và vệ sinh an toàn…
Tuy nhiên, TS.Lý Ngọc Điệp cho rằng Chính phủ cần xem xét mở ngay lại các chợ đầu mối và chợ nhỏ để giảm tải cho các siêu thị. Đồng thời tạo lại công việc và thu nhập cho người buôn bán nhỏ (tiểu thương) vì thói quen của nhiều người Việt vẫn là đi chợ. Có thể tham khảo mô hình giãn cách và tổ chức chợ của Myanmar để đảm bảo giãn cách an toàn. Quan trọng là lưu trữ đầy đủ thông tin đăng ký người mua người bán. Trong đó, cần xem xét cụ thể kế hoạch của việc tổ chức lại các chợ trong thời gian dịch và trong điều kiện bình thường mới, từ việc quy hoạch lại các chợ, quy hoạch lại nguồn hàng, cách giao hàng bán sỉ lẻ tại chợ. Kế hoạch này cần phải có sự cộng tác của các tiểu thương ở các chợ lớn nhỏ.
Theo Mai Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)