Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tại Việt Nam, một số cơ sở GDNN đã và đang từng bước thực hiện chuyển đổi số nhưng cũng chỉ theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (chuyên gia nghề ASEAN), trước mắt hãy tập trung phát triển năng lực số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, sau đó mới bắt tay thực hiện chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt là chương trình đột phá của hệ thống GDNN trong nhiều năm qua. Đây được coi là cơ hội để các trường nghề thu hút tuyển sinh, nâng chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hòa nhập quốc tế.
Hướng đến trường học số
TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy – Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết chương trình chuyển đổi số trong GDNN mà Chính phủ vừa phê duyệt có một số chỉ tiêu cơ bản để thực hiện, cụ thể là: Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Theo đó, phấn đấu 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; phấn đấu 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo của các cơ sở GDNN được đào tạo phát triển học liệu số. Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo: Phấn đấu 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành CNTT, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hạ tầng, nền tảng và học liệu số: Hình thành nền tảng số GDNN quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025; phấn đấu 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 trường CĐ, TC có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia. Quản lý số và quản trị số: Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp vào Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH vào năm 2023; phấn đấu 100% trường CĐ-TC đến năm 2025, 100% cơ sở GDNN đến năm 2030 số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng GDNN của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; có 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030 hoạt động kiểm tra chuyên ngành về GDNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đặc biệt, phấn đấu ít nhất 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 các trường chất lượng cao là trường học số.
Ngoài ra, chương trình cũng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chuyển đổi số như: Phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số, trong đó nêu rõ nhiệm vụ về hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, nền tảng và học liệu số để thực hiện xây dựng đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị, các phần mềm ứng dụng để hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, công tác dạy và học; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN và đổi mới phương pháp dạy và học; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số GDNN trên cơ sở ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích hợp tác theo đối tác công tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, từng bước hình thành mô hình cơ sở GDNN trong doanh nghiệp; tăng cường vận động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động chuyển đổi số.
Cần cơ chế, chính sách cụ thể cho chuyển đổi số
Bên cạnh cơ hội, thực hiện chuyển đổi số cũng là thách thức lớn đối với các trường nghề trong bối cảnh tuyển sinh gặp nhiều khó khăn cũng như nguồn kinh phí hạn hẹp như hiện nay. Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho rằng, để đầu tư trang thiết bị cho một nghề theo yêu cầu chuyển đổi số thì phải có kinh phí ít nhất 20 tỷ đồng. Trong khi đó, một trường nghề thường có 4-5 nghề chủ lực, đó là chưa kể đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. “Bên cạnh nỗ lực của các trường trong việc tìm kiếm đối tác để chia sẻ nguồn lực thì ngân sách Nhà nước là nguồn lực chính để hỗ trợ các trường. Trước mắt cần đầu tư thí điểm một số trường, từ đó chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực con người cho các trường khác trên địa bàn để giảm chi phí”, vị hiệu trưởng này đề xuất.
Học sinh trường nghề trong giờ thực hành
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn (chuyên gia ASEAN nghề tự động hóa, cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp) khẳng định, chỉ tiêu phấn đầu ít nhất 50% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 các trường chất lượng cao là trường học số là khó thực hiện. Ông Tuấn phân tích, trường học số không đơn giản chỉ là hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số… mà còn liên quan đến trình độ, kỹ năng của đội ngũ giảng dạy, quản lý điều hành. Thực tế có một bộ phận giảng viên, cán bộ quản lý hiện nay còn hạn chế về kỹ năng công nghệ cũng như ngoại ngữ. “Trước mắt hãy tập trung trang bị, phát triển năng lực số cho đội ngũ này, sau đó mới bắt tay thực hiện chuyển đổi số, vì nếu chưa chuẩn bị mà đầu tư hạ tầng sẽ có nguy cơ phá sản, không vận hành được gây lãng phí lớn”, ông Tuấn cảnh báo.
TS. Phan Chính Thức (Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội) cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số trong GDNN cần có cơ chế, chính sách để thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, xây dựng hệ sinh thái số GDNN. Chương trình này cũng đã đưa ra các nhiệm vụ chính, tuy nhiên cần có sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cả các cơ sở GDNN thực hiện chuyển đổi số.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)