Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đen như phim “Sáng đèn”

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng đèn có vẻ hơi đen, bởi đã phải né Mai trong đợt phim Tết, khi tái chiếu lại gặp lúc Muôn vị nhân gian đang ở tâm điểm của truyền thông. Tuy nhiên có vẻ chính đề tài của Sáng đèn mới là vấn đề. Người ta chỉ biết phim nói về cải lương vốn ít được quan tâm, phim về cải lương cũng chịu chung số phận?!

Đây là một sự đáng tiếc, bởi Sáng đèn là phim có nhiều ưu điểm vượt trội so với mặt bằng phim Việt, mang đến một câu chuyện giàu cảm xúc, đậm chất văn hóa Việt. Có thể nói, đây là một bước chuyển gây bất ngờ của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường – chuyên làm phim kinh dị.

Phim cũng cho thấy một hướng đi hợp lý cho phim Việt hiện nay: hướng vào những đề tài đời thường, dung dị không đòi hỏi kỹ xảo, kinh phí cao. Sáng đèn cho thấy tâm huyết và sự tìm hiểu khá kỹ càng về cải lương khi dựng lại chỉn chu một số trích đoạn cải lương kinh điển.

Chợ chiều cải lương

Đen như phim Sáng đèn ảnh 1

Sáng đèn đặc biệt thành công ở khâu phân vai

Sự hấp dẫn của phim nhờ phần lớn vào kịch bản của Tô Thiên Kiều – soạn giả kiêm diễn viên cải lương sung sức thời gian này. Tham vọng của chị là truyền tình yêu cải lương tới khán giả qua việc cung cấp ngồn ngộn những thông tin, tình tiết cho thấy toàn cảnh đời sống của cải lương trong thập niên 1990, các nghệ sĩ trong một gánh hát miệt vườn đã sống, đã yêu ra sao.

Sáng đèn thuộc loại phim có thể điều khiển khán giả hết cười lại khóc, khi đan xen các cảnh bi hài khá tinh tế.

Sáng đèn có lẽ là phim tốt nhất nhiều năm trở lại đây so với những phim về hậu trường nghệ thuật. Đây là một đề tài khá hấp dẫn nhưng đòi hỏi sự kỹ càng nên ít tác giả nào theo đuổi. Sáng đèn cũng khéo chọn bối cảnh và thời điểm chưa xa làm toát lên được một giai đoạn của nghệ thuật cải lương.

Gánh hát Viễn Phương cha truyền con nối một thời nức tiếng đô thành lúc này phải trôi dạt khắp các vùng quê. Họ dựng rạp diễn ngoài trời, khán giả lúc đông lúc vắng, không ít người tìm cách xem chùa. Đôi khi họ còn bị mấy tay anh chị địa phương đến đòi tiền. Cũng có lúc họ rơi nước mắt hạnh phúc khi nhằm đêm Giao thừa, được dân làng kéo đến động viên úy lạo.

Mối quan hệ người hâm mộ – ngôi sao cũng được khai thác kỹ. Nữ chủ tiệm vàng (NSND Hồng Vân) đòi nằm cạnh kép chính (Cao Minh Đạt) khi đoàn đến tá túc ở một ngôi đình, nếu không sẽ rút các khoản tài trợ. Ngôi sao của gánh cũng không đủ sống nên các đào kép phải đi làm thêm các nghề như bốc vác hay đánh véc-ni đồ gỗ…

Có khi còn bị “người hâm mộ” sàm sỡ hoặc tệ hơn. Nói chung, khán giả nuôi sống nghệ sĩ đấy nhưng không hiếm khi cũng là nguyên nhân của rắc rối và bất hạnh.

Đen như phim Sáng đèn ảnh 2

Đời hát rong cũng có những khoảnh khắc lãng mạn

Gánh hát chỉ biết trông chờ vào tình thương của khán giả và ưu ái của… tổ nghề, tổ nghiệp – là chỗ dựa cũng như an ủi về mặt tinh thần cho các nghệ sĩ đang sống. Khi diễn viên hội đủ thực lực, bắt đầu tỏa sáng trên sân khấu, nghĩa là đã được tổ nghề nhìn đến.

Khi họ làm một điều gì đó không chuẩn mực sẽ bị nhắc nhở tổ nghiệp đang ở trên đầu… Bài vị tổ nghiệp là vật bất ly thân của gánh hát.

Đầu tiên là… đầu tư

Kinh phí vẫn là yếu tố quyết định để nuôi sống bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào, đừng nói đến loại hình đang lâm vào cảnh chợ chiều như cải lương. Tình yêu, tấm lòng với nghệ thuật lớn đến đâu mà không có nhà đầu tư, các diễn viên cũng phải đi về làm bảo vệ, bán vé số, may ra còn được hát đám cưới, đám ma…

Tình cảnh ngặt nghèo càng làm toát lên đam mê thuần khiết của nghệ sĩ. Nhiều người hi sinh cả tuổi xuân, cuộc sống riêng tư, trốn nhà để đi theo gánh hát. Một trong những sự tích kể rằng tổ nghề chính là một cậu bé trốn trong hòm đồ để đi theo gánh hát để rồi chết ngạt.

Phim cũng có một nhân vật tương tự. Vai diễn dù phụ nhưng có thể coi là điểm nhấn do nét duyên đặc biệt của Tuấn Dũng. Hơn cả một nghề, sân khấu đối với họ là nghiệp mà ai đã bập vào không muốn dứt ra. Dù hào quang xế chiều của cải lương không còn mang lại cho họ nhiều danh vọng, vật chất.

Phim không chọn cách đi sâu vào một số phận nhưng nổi lên là hai mối tình của hai cặp nghệ sĩ, cách mà mỗi người mỗi thế hệ chọn để vượt qua nghịch cảnh.

Trong đó thế hệ trẻ (cặp Bạch Công Khanh – Trúc Mai) tỏ ra quyết liệt hơn trong việc bảo vệ hạnh phúc. Phim kết thúc có hậu nhưng các nhân vật chính đều phải trải qua không ít bầm giập.

Họ vượt qua tất cả chính là nhờ tình yêu với nghề và sự đùm bọc, thấu hiểu dành cho nhau. Gánh hát không chỉ là gia đình thứ hai mà với không ít người – là duy nhất. Gánh hát là nơi hội tụ của nhiều thứ tình cảm: thầy trò, cha con, đồng nghiệp, đôi lứa… Ấm áp và thiêng liêng tạo thành một thứ gọi là “đạo hát”.

Phim giữ được mạch cảm xúc xuyên suốt từ đầu tới cuối với cốt truyện hấp dẫn, tình tiết diễn biến liên tục. Các diễn viên từ chính đến phụ đều hợp vai, diễn xuất đồng đều.

Có những đoạn đặc tả phải nói là xuất sắc như khi Cao Minh Đạt thể hiện tâm trạng giằng co giữa đi lấy vợ và ở lại với sân khấu. Dù chỉ là một cảnh ngoài lề như ông thầy đàn đi tìm gia đình bị thất lạc cũng khiến khán giả thích thú, vì diễn xuất duyên dáng dù chỉ thoáng qua màn ảnh.

Có thể phim hơi ôm đồm về tình tiết, nhưng bù lại tất cả được bố trí và xử lý hợp lý.

Phim không nói rõ vì sao tình yêu của cặp diễn viên ở độ tuổi 40 (Cao Minh Đạt – Lê Phương) mà vẫn e ấp quá mức. Có thể tạm suy ra do họ lo ngại nếu lấy nhau sẽ mất người hâm mộ – ảnh hưởng đến nồi cơm của đoàn. Điều thú vị là nhân vật của Lê Phương cũng có câu thoại tương tự câu “gây sốt” trong phim Mai: “Đâu có ai chết vì không đến được với nhau”

Nhân vật mờ nhạt nhất chính là ông bầu (Hữu Châu) – luôn dĩ hòa vi quý mà không cho thấy sự quyền biến sắc sảo của người đầu tàu. Trong suốt phim, ông hầu như không đưa ra được quyết định nào có tính xoay chuyển tình hình. Nhưng có lẽ cũng phải là một người có tâm có tình đến mức đó mới dám đứng ra lãnh trách nhiệm ông bầu.

Sau 1/4 thế kỷ, giờ không biết miền Tây còn đủ khán giả hay còn một ông bầu nào đủ lãng mạn để duy trì một gánh hát như thế?!

Dòng phim “yêu nước” gần đây nóng lại với trường hợp Đào, phở và piano. Sáng đèn cũng chính là một phim khơi gợi được lòng yêu và tự hào với văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đặt trong nguy cơ luôn bị các loại hình nghệ thuật đại chúng nguồn gốc phương Tây xâm lấn. Tuy nhiên, Sáng đèn đang có nguy cơ bật khỏi rạp do ít khách.
Theo Nguyễn Mạnh Hà/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)