Y tế - Văn hóaThư giãn

Đến Tết, Minh Vượng sẽ…vào viện

Tạp Chí Giáo Dục

Chia tay sân khấu hài truyền thống, 3 năm nay tiếng cười trẻ nhỏ đã là một phần không thể thiếu trong chuỗi ngày thường của nghệ sĩ hài Minh Vượng.

Có những lúc cố giấu nỗi cô đơn, đau đớn bệnh tật sau tấm thân cồng kềnh – “người đàn bà cười” lại bước lên sân khấu mua vui.
Nghệ sỹ Minh Vượng (trái) trong một vở kịch dành cho thiếu nhi. Ảnh: TL.
“Anh hùng lao động về lĩnh vực đi”
Tiền không nhiều vẫn vui
 Tiền bạc thì vô cùng lắm, biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa? Minh Vượng chỉ quan tâm là đã làm được gì cho con trẻ. Công việc hiện tại, mặc dù tiền không nhiều nhưng vẫn thấy thích thú vì với cái tâm nghệ sĩ đã mang được điều tốt đẹp cho thế hệ sau. Hiện nay tôi có hợp tác với ca sĩ Thái Thùy Linh vào các bệnh viện diễn cho trẻ em bệnh nặng, người bệnh đau ốm dịp Tết không được về 
Danh hài Minh Vượng
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã ba mươi mấy năm kể từ dấu ấn 1978, lúc Minh Vượng tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Hà Nội, về đầu quân cho Nhà hát Kịch của Thủ đô. Đã quen Minh Vượng vì những vai hài luôn cười luôn nói, nhưng mấy năm nay thấy vắng bóng chị trên các chương trình truyền hình.
Gặp Minh Vượng khi chị đang nhiệt huyết trong công việc mới, chị vồn vã: “Nhiều người gặp cũng hay hỏi: sao không diễn hài Tết? Sao không thấy xuất hiện làm bà Táo nữa? Thú thật, công việc mới chiếm hầu hết quỹ thời gian nên Minh Vượng đành “chào tạm biệt” sân khấu hài chính thống: Gặp nhau cuối năm và những chương trình hài Tết. Bây giờ nhường lại cho lớp trẻ, thế hệ già còn mấy ai diễn nữa đâu.
Lý do, một phần vì công việc mới nhưng cũng do thời gian tập tành của mấy chương trình nhà đài “gớm” quá: Tập từ 1 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Minh Vượng bị tiểu đường nên không kham được kiểu tập như thế. Còn không tham gia hài Tết vì không thích làm băng hình, đĩa hát”.
Nhưng biết phận sự của mình là “phụng sự” cho tiếng cười nên Minh Vượng vẫn hùng hục đi, hùng hục làm như lao động khổ sai. Minh Vượng kể: “Bạn bè đồng nghiệp thường trêu đùa, Minh Vượng xứng đáng anh hùng lao động về vấn đề đi”. Chân đau, lưng đau, huyết áp không ổn định, Minh Vượng vẫn mải miết trên từng cây số.
Chị thuộc về số những nghệ sỹ hài đắt sô, ăn khách nhất miền Bắc, dù lâu nay ít xuất hiện trên truyền hình trong vai trò diễn viên, thay vào đó lại làm MC cho chương trình dành cho thiếu nhi.
Trẻ em giờ là mối bận tâm lớn nhất của chị, chị miệt mài với những dự án sân khấu học đường, dựng chương trình cùng Nhà hát Chèo Hà Nội, nhẫn nại tung chiêu bày trò kéo bọn trẻ con đến với sân khấu để chúng có thêm niềm vui và những háo hức. Minh Vượng từ lâu, rất lâu đã được coi như “danh hài của con trẻ”, người không tiếc công sức chăm lo, nâng giấc cho sân khấu học đường.
Nghệ sĩ tâm sự: “Từ 3 năm nay Minh Vượng chuyển sang cộng tác với Nhà hát chèo Hà Nội làm sân khấu học đường. Mình mê tiếng cười trẻ thơ. Hiện nay nhiều trường học đưa các chương trình xem diễn chèo vào hoạt động ngoại khóa để trẻ được thư giãn, được cười, được sống với nền văn hóa dân gian. Một buổi sáng diễn phục vụ khoảng 3 tốp học sinh: cứ 1 tốp đi tham quan bảo tàng thì 1 tốp xem diễn, khoảng 1 tiếng sau lại đổi chỗ cho nhau. Mỗi tốp có gần 500 học sinh, có hôm không đủ chỗ phải kê thêm ghế”.
Hết giả trai lại vào vai… con chó!
Bắt tay vào công việc “trẻ hóa” bản thân, nghệ sĩ cười cười kể những kỷ niệm sinh động, ấn tượng: “Làm kịch cho thiếu nhi trước hết cần cuốn hút, nếu không đừng hòng giữ được cái lũ hiếu động ấy ngồi yên một chỗ, nên rap, rock, hip hop gì diễn viên phải thành thạo hết.
Có lần tình nguyện thay đổi hình ảnh, quyết làm lão phú ông hay bà chị dâu tham lam độc ác trong các vở diễn “Quả táo thần”, “Khắc nhập, khắc xuất” và vở “Ăn khế trả vàng” mong sao bọn trẻ thích thú. Hết giả trai phú ông, lại hùng hục làm vai… con chó, đơn giản “vì đấy là người bạn thân thiết của trẻ con”, chẳng từ nan hay nề hà e ngại gì”.
Khi được hỏi về niềm hứng thú với công việc mới, Minh Vượng cười mủm mỉm, thật thà kể: “Là con nhà lao động, có những 6 anh chị em, lại vào những năm chiến tranh, bom đạn, học hành cũng là điều khó khăn chứ nói gì đến xem kịch, xem chèo. Nhớ những năm tuổi thơ, làm gì có những trò chơi điện tử như trẻ con bây giờ, toàn chơi bẹ chuối, mũ lá mít, lá bàng… nhưng vui vẻ và hồn nhiên.
Những lần có đoàn về diễn kịch, chẳng chen chân được vào xem thì trẻ con rủ nhau chui qua rào vào ngó, nói là thua thiệt cũng đúng nhưng đó cũng là kỷ niệm. Đến giờ, trẻ em có còn khổ như mình ngày xưa đâu nhưng lại chẳng được chơi hồn nhiên như thế, cũng chẳng được xem diễn chèo, diễn hề như thế. Cũng là một sự thiệt thòi”.
Minh Vượng bây giờ không chỉ diễn ở sân khấu Nhà hát Chèo phục vụ học sinh, mà còn đem tiếng cười, câu chuyện vui đến phục vụ tận giường bệnh để trẻ nhỏ mải vui mải cười mà quên đi đau đớn bệnh tật.
Đến với sân khấu dành cho trẻ thơ đã 18 năm, Minh Vượng thường vào các bệnh viện diễn cho cơ sở trẻ em nhiễm HIV của Sơn Tây, Bệnh viện Nội tiết TƯ. Có một điều mà cho đến giờ Minh Vượng vẫn thấy day dứt: “Tâm thế của một diễn viên hài luôn luôn vui vẻ, cười nói nhưng đến với những trường hợp trẻ em như thế khi diễn lòng cũng nặng trĩu, nhìn ánh mắt bọn trẻ Minh Vượng chỉ muốn khóc, nhưng cố kìm lại để mà diễn, để mà cười. Là người nghệ sĩ sân khấu đa dạng vậy đấy. Với những sân khấu “động lòng người” như thế ai mà chẳng day dứt, chẳng suy tư?”.
“Danh” – Minh Vượng đã có đủ. “Tình” thì sự hâm mộ của khán giả với Minh Vượng cũng nhiều. “Tiền” chỉ dùng cho thuốc men nên tạm ổn. Giờ đây, chị dành hết tâm huyết làm sân khấu thiếu nhi như để tranh thủ từng giờ phút quý giá trong cuộc đời cho con trẻ!
Theo An Khánh Gia đình & xã hội

 

Bình luận (0)