Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Đến trường cùng căn bệnh ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

Tùng cùng mẹ tại KTX Thanh Quang (Q.3)

Đột nhiên phát hiện căn bệnh ung thư xương trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nên ngày tựu trường của Phạm Duy Tùng (tân sinh viên ngành kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) năm nay có thêm những giọt nước mắt của mẹ, những đêm không ngủ của cha và nỗi đau lặng thầm trong lòng chàng trai trẻ này… Để điều trị dứt hẳn căn bệnh, bác sĩ đã yêu cầu Tùng nên “hy sinh” một cái chân…

Vượt qua nỗi đau thể xác
Tùng chưa chấp nhận sự thật (phải tháo khớp chân-P.V) cũng không có gì là lạ, bởi 18 năm qua bạn đã quen sống với hình hài lành lặn, sức khỏe bình thường. Cũng chừng ấy năm, Tùng còn là cậu học trò nghèo biết vượt khó học giỏi: 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Là dân chuyên hóa (Trường THPT chuyên Tiền Giang) nhưng điểm trung bình môn toán hàng năm của Tùng lại đạt tuyệt đối – 10 điểm – các môn còn lại cũng đạt trên 8 điểm. Như bao học trò khác, Tùng nỗ lực thật nhiều để thực hiện giấc mơ bước chân vào giảng đường đại học. Và khi đã khẽ chạm được ước mơ ấy, chưa kịp vui mừng thì Tùng lại đón nhận tin mình bị ung thư xương.
Bệnh bắt đầu bộc phát từ học kỳ 2 năm cuối lớp 12 với những cơn đau buốt ở đùi chân phải, nhưng Tùng chỉ đinh ninh mình bị chấn thương do vận động nhiều khi chơi thể thao. Sau đó, những cơn đau kéo dài hơn và cứ theo Tùng cả những ngày bạn tập trung ôn tập chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp. Vẫn biết dồn sức cho việc học lúc ấy là bất lợi cho sức khỏe nhưng kỳ thi lại quan trọng biết bao với cuộc đời và tương lai sau này. Chính vì vậy, Tùng đã cố gắng hết mình. Bước vào đợt thi ĐH, căn bệnh đã nặng lên nhiều. Môn thi đầu tiên, Tùng làm bài trong cơn sốt và sau ngày thi hôm ấy, bạn như ngã nhoài ra vì mệt. Thương, lo cho sức khỏe của con, mẹ Tùng – cô Lê Thị Tâm – chỉ biết gạt nước mắt và luôn bên con từng bước. Với người mẹ này, sức khỏe và mạng sống của con trở nên quan trọng hơn hết. Hoàn tất hai kỳ thi cũng là những tháng ngày Tùng triền miên sống “bám” Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi lần vô thuốc điều trị là những lần vắt khô sức lực của chàng trai đầy nghị lực này. Cô Tâm xót xa: “Từ ngày vô bệnh viện điều trị, Tùng đã sút hơn 10 ký rồi…”.
Hy vọng không tắt…
Căn nhà ở quê chuẩn bị bán đi để lo tiền thuốc thang cho Tùng. Hai vợ chồng đều từng là bộ đội, rời Bắc vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng nên cũng dễ hiểu vì sao cuộc sống của họ khốn khó đến vậy.
Gặp chúng tôi, người mẹ là cựu chiến binh với vẻ rắn rỏi bên ngoài lại không ngăn nổi dòng nước mắt. Chốc chốc, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi phải ngừng để nhường lại không gian cho sự yên lặng và những giọt nước mắt mặc dù cô đã khóc rất nhiều. Chưa thôi ngỡ ngàng với việc con mình mắc bệnh nan y, cô Tâm lại càng xót xa như đứt từng khúc ruột khi bác sĩ bảo phải tháo khớp chân để bảo toàn tính mạng cho Tùng. “Bác sĩ cho biết, nếu không chọn cách đó, Tùng sẽ rất khó qua… Thử nghĩ xem, có người mẹ nào đành lòng khi mất con như thế?” – cô Tâm nghẹn ngào. Căn nhà ở quê chuẩn bị bán đi để lo tiền thuốc thang cho Tùng. Hai vợ chồng đều từng là bộ đội, rời Bắc vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng nên cũng dễ hiểu vì sao cuộc sống của gia đình Tùng khốn khó đến vậy. Những ngày này, chú Phạm Duy Hạnh (ba Tùng) vẫn cần mẫn chạy xe ôm và mong ngóng tin mừng về sức khỏe của con. Tùng không khóc, bạn bảo nếu khóc mẹ sẽ buồn thêm. Những giọt nước mắt của chàng trai giàu nghị lực này được giấu sâu trong đôi mắt. Nhưng trong đôi mắt ấy, chúng tôi thấy cả niềm hy vọng. Tùng cứ mong, bằng một phương pháp chạy chữa khác, bạn sẽ giành lấy lại được cả đôi chân và cơ hội thực hiện ước mơ của mình. “Sau này, nếu có điều kiện, em sẽ giúp đỡ những người như mình. Vì em đã biết được nỗi đau mà những người bị ung thư phải trải qua là như thế nào…” – Tùng thổ lộ.
Những ngày đầu đến trường này, khi thì mẹ lúc lại các anh chị đoàn viên trong trường thay nhau đưa Tùng đi học. Khó nhọc vậy nhưng Tùng vẫn tin và mong một ngày em sẽ tự đến trường bằng chính đôi chân của mình…
MÊ TÂM

Bình luận (0)