Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đến trường trên lưng mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng ngày, hình ảnh người mẹ cõng con nặng nhọc lê từng bước lên cầu thang tầng 3, tầng 4 đã trở nên quen thuộc ở Trường ĐH KHTN TP.HCM

Hai năm trở lại đây, những ai đến Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) TP.HCM hẳn không thể quên hình ảnh một nam sinh viên khuyết tật ngày ngày được mẹ cõng tới giảng đường. 20 tuổi là 20 năm em lớn lên trên lưng mẹ, ngay cả ngồi cũng không vững nhưng em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Mới đây, em là một trong 9 gương mặt “Sinh viên tiên tiến làm theo lời Bác” được Trường ĐH KHTN TP.HCM tuyên dương nhân ngày thành lập Đoàn 26-3. Em là Nguyễn Chung Tú, sinh viên năm 2, Khoa Công nghệ thông tin, quê ở thị trấn Chợ Gạo (Tiền Giang).
1. Tú sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo có ba là bệnh binh hạng 3; mẹ cày thuê, cuốc mướn. Lọt lòng, Tú khá khôi ngô, bụ bẫm. Thế nhưng đến khi chập chững tập đi, đôi chân em trở nên yếu ớt không đỡ nổi thân người. Mẹ em lo lắng đưa con đến bệnh viện khám, bác sĩ kết luận em bị nhược cơ do di chứng chất độc da cam từ người cha, không thể chữa trị. Thương con, tủi phận, mẹ Tú – cô Chung Thị Do – đưa con về nhà, “còn nước còn tát”, ngày ngày sắc thuốc bắc, thuốc nam cho Tú uống với chút hi vọng mong manh. Lên 6 tuổi, đôi chân của Tú vẫn chỉ ngúc ngắc mà không thể nâng nổi thân người. Sự di chuyển của em hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Hằng ngày tới trường mẹ phải cõng em suốt đoạn đường dài hơn 4km. Thương mẹ vất vả, lại tủi cho số phận, đã có lần Tú hỏi: “Sao mẹ không bỏ con đi?”. Lúc đó, mẹ Tú cười và trả lời đầy tình thương yêu: “Vì con là con của mẹ”. Câu trả lời ấy như một nguồn sức mạnh tiếp sức cho Tú vượt qua nỗi đau thân xác.
2. Ngay từ những năm tiểu học, Tú đã tỏ ra thông minh, ham học. Ở lớp em rất chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, về nhà em đọc thêm nhiều loại sách mượn của bạn bè và các anh, chị lớp trên. Nhiều hôm mải học Tú quên cả ăn cơm. Chú Nguyễn Văn Tâm – ba của Tú – cho biết: “Sức khỏe của Tú rất yếu, thường xuyên bị những cơn đau nhức xương hành hạ. Tôi đã khuyên cháu nghỉ học nhưng càng khuyên cháu càng ham học hơn. Dần dần tôi nghiệm ra, con mình đọc sách một phần là để quên đi những cơn đau ấy”. Năm Tú học lớp 5, hi vọng cuối cùng có thể chữa lành bệnh cho em vụt tắt khi đôi chân của em mất hết cảm giác rồi liệt hẳn chẳng khác gì hai đoạn củi khô, muốn ngồi được phải có bệ tỳ. Tú nhớ lại: “Lúc đó, em òa khóc trong nỗi thất vọng tột cùng, nhưng em đau một thì ba mẹ đau 10 nên em nín lặng, gượng cười, động viên mẹ: Con không sao đâu, ngày mai con lại đi học được mà. Nghe vậy, mẹ bế em lên, khóc nấc”. Thời khắc ấy cũng là lúc đánh dấu sự đi lại của Tú hoàn toàn gắn liền trên lưng mẹ. Dù vậy, 5 năm tiểu học Tú đều đạt học sinh giỏi, được thầy cô, bạn bè thương yêu, quý mến. Bước vào THCS, quãng đường đến trường xa hơn, lưng mẹ cõng Tú cũng nặng hơn. Nỗi vất vả mưu sinh và chăm bẵm đứa con bất hạnh khiến mẹ em già đi trông thấy. Gia đình khó khăn, ba mẹ Tú đã có ý định để em học hết THCS sẽ cho nghỉ ở nhà. Biết dự định đó, em buồn lắm nên càng lao vào học nhiều hơn với khát vọng sẽ làm ba mẹ thay đổi ý định. Kết quả, em đã thi đậu vào trường chuyên với số điểm rất cao. Ba mẹ Tú thương con không đành lòng cho em nghỉ học. Người mẹ ấy lại cõng con tới trường suốt 3 năm THPT. Mặc dù tay yếu, chân bị liệt, sức khỏe hạn chế lại thường đau nhức khắp người nhưng Tú vẫn lạc quan, thân thiện với bạn bè trong lớp. Em sẵn sàng hướng dẫn các bạn cùng học tập và luôn đưa ra phương pháp giải bài dễ hiểu nhất. Với nỗ lực vượt bậc, Tú giữ vững danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền và trở thành niềm tự hào của Trường THPT Chợ Gạo. Tốt nghiệp lớp 12 với kết quả 51 điểm, em mơ ước được bước vào giảng đường ĐH. Hành trình lên TP.HCM dự thi với mẹ con Tú cũng thật gian nan, cơ cực. Chưa kể nỗi vất vả đi lại, trực chờ xe buýt, thì việc cõng con ra, vào phòng thi khó khăn lắm mẹ em mới được Hội đồng tuyển sinh chấp nhận. Mùa thi năm ấy (2010) Tú đã đậu chuyên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH KHTN và Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Mở TP.HCM. Tú kể: “Thương cha mẹ vất vả, em quyết tâm thi đỗ ĐH, nếu không thì bao công sức của mẹ con em thành vô nghĩa. Hơn nữa, em muốn chứng tỏ một điều: Chân em dù tàn nhưng chí không thể tàn anh ạ”. Có lẽ suy nghĩ ấy sẽ còn theo em mãi, thôi thúc em vượt lên chiến thắng tật nguyền để có ích cho đời và không phụ công lao ba mẹ.
3. Hiện tại Tú đang học năm thứ 2 Khoa Công nghệ thông tin và là người sáng lập, chủ nhiệm “Câu lạc bộ Niềm tin” với 30 thành viên đều là sinh viên khuyết tật của Trường ĐH KHTN TP.HCM vừa được Ban chấp hành Hội Sinh viên nhà trường công nhận là câu lạc bộ cấp liên chi hội. Hai mẹ con đang ở nhờ trong một phòng trọ tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 (TP.HCM). Chỗ ở chật chội đó cũng do một bác sĩ tốt bụng ở Bà Rịa – Vũng Tàu giúp đỡ. Hằng ngày, vượt chặng đường hơn 10km trên chiếc xe máy cọc cạch có gắn một thùng đỡ phía sau cho Tú tựa lưng, cô Chung Thị Do miệt mài đưa con đến cổng trường, cõng con lên cầu thang vào lớp rồi vội vàng tìm một nơi yên tĩnh ngồi đan len, gấp hộp giấy, làm hàng giày da để kiếm tiền mưu sinh tạm bợ. Thỉnh thoảng cô lại giật bắn người khi có điện thoại của con, lật đật chạy lên lầu, cõng con đi vệ sinh hoặc có việc cần thiết. Hình ảnh người mẹ cõng con nặng nhọc từng bước lên cầu thang tầng 3, tầng 4 đã trở nên quen thuộc với thầy và trò Trường ĐH KHTN TP.HCM gần 2 năm nay. Ai cũng trầm trồ ngợi khen, thán phục.
Bạn Ông Thị Ngọc Linh, Bí thư Đoàn trường, cho biết: “Nguyễn Chung Tú là một sinh viên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực và có ý chí, ước mơ. Với những gì Tú đã đạt được sẽ góp phần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về người khuyết tật”. Chia sẻ về dự định tương lai, Tú tiết lộ: “Tốt nghiệp ra trường em sẽ mở một trung tâm vi tính dạy trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật để các em trở thành người hữu ích, tự tin hòa nhập với cộng đồng”. Dự định ấy của Nguyễn Chung Tú thật giản dị nhưng cũng thật ý nghĩa biết bao bởi em luôn ý thức được rằng “Người khuyết tật không phải là gánh nặng nếu biết tự mình cần mẫn vươn lên”.
Bài, ảnh: Hương Phúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)