Đối với nhà báo Hoàng Chí Hùng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng viên ảnh Hội Nhà báo TP.HCM, quần đảo Trường Sa không chỉ là những chuyến đi về đầy kỷ niệm mà nơi đó còn là vùng đất thiêng liêng cho anh những bộ sưu tập ảnh quý hiếm và có giá trị nhiều năm liền.
Nhà báo Hoàng Chí Hùng tác nghiệp tại Trường Sa (ảnh do nhân vật cung cấp) |
4 lần vượt sóng
Đến trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM đúng vào lúc nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng đang chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt ra tận Vũng Áng (Hà Tĩnh) nên thấy anh thật bận rộn. Tuy là một hành trình dài ngày dọc miền Trung nhưng những nơi anh ghé đến đều nằm sát bên bờ biển Đông để ghi nhận cuộc sống của những ngư dân trong những ngày vật lộn với khó khăn khi có hiện tượng cá chết hàng loạt. Nhìn mái tóc phong sương, nước da rám nắng dạn dày mưa gió ai cũng tin rằng chuyến đi của người nghệ sĩ nhiếp ảnh tuổi ngoài 50 chắc chắn sẽ có thu hoạch mỹ mãn như những lần đi trước. Còn nhớ nửa tháng trước đó khi Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề Ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam, khách tham quan thật sự có cảm tình với những bức ảnh phong cảnh của nhiều tác giả nổi tiếng trong đó có phóng viên ảnh Hoàng Chí Hùng. Nhưng điểm dừng mạnh nhất của cảm xúc người xem trong mấy ngày đó là loạt ảnh phóng sự về đề tài biển đảo mà Trường Sa là nơi để lại nhiều cảm hứng thăng hoa nhất cho tay máy chuyên nghiệp Hoàng Chí Hùng. Nhìn vào những tấm ảnh cỡ lớn là mọi người đều nhận diện ra được bóng dáng cây bàng vuông đứng hiên ngang trên đảo, một chùm hoa phong ba trắng tinh khiết. Đối với các tay máy chuyên nghiệp, các tấm hình phong cảnh theo trường phái tĩnh vật chưa nói lên được điều gì cả. Điều đó quả thật không sai khi đứng ngắm những bức hình đầy chất bão tố ở Trường Sa mà anh ghi lại trong một khoảnh khắc vàng. Người xem có cảm giác đàn hải âu bay lượn trên sóng trong ảnh thật sự không còn ranh giới giữa nghệ thuật và thực tế. Đó cũng là “lát cắt” quý báu khi anh “chộp” được giây phút bất chợt khi đàn cá chuồn tung bay trên mặt sóng dập dềnh.
Dù đã có cả chục cuộc triển lãm với hàng trăm bức ảnh về Trường Sa thân yêu nhưng phóng viên ảnh Hoàng Chí Hùng vẫn nhớ lần đầu tiên được vinh dự theo đoàn đại biểu trong đất liền theo tàu ra biển Đông. “Đó là chuyến đi vào năm 2010 với 200 người chủ yếu là giới văn nghệ sĩ” – Chí Hùng chia sẻ. Theo lời kể của anh, 15 ngày ghé chân vào các hòn đảo lớn ở phía Bắc như Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa Lớn… là thời gian để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc mà nếu chỉ ở trong đất liền thì không thể nào có được. Từng đã xem được rất nhiều hình ảnh về Trường Sa nhưng theo anh chỉ có ra tận nơi chứng kiến mới cảm nhận được hết dung nhan của từng hòn đảo nổi với những hình thù khác nhau. Bước chân lên đảo, vẻ đẹp lại càng được phô diễn thêm bởi những công trình kiến trúc của chùa chiền, nhà cửa và cây cối. Đây cũng là lý do vì sao mọi người lại háo hức chụp ảnh mỗi khi đến gần với đảo: “Không chỉ có thợ ảnh chuyên nghiệp mà nhiều người khác cũng tìm mọi cách chụp hình bằng máy ảnh bỏ túi, điện thoại, iPad… ai cũng coi đây là cơ hội vàng để ghi lại những phong cảnh mây nước giữa biển khơi mà Trường Sa đã ban tặng”.
Nhà báo Hoàng Chí Hùng (phải) tại Triển lãm ảnh của Hội Nhà báo TP.HCM năm 2016. Ảnh: PNQ Cho đến bây giờ, khát khao đến với Trường Sa vẫn còn thôi thúc Hoàng Chí Hùng vì anh muốn những hình ảnh đẹp của Trường Sa và biển đảo quê hương đến được với mọi người, nhất là làm sao giáo dục và tuyên truyền học sinh, thế hệ trẻ thêm yêu quý quê hương đất nước và có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo để nơi đây trở thành vùng đất đáng sống và điểm đến hấp dẫn cho mọi người. |
Sách ảnh về Trường Sa
Không ngờ đó là chuyến đi nhiều duyên nợ để 3 lần sau anh lại có thêm động lực đến với Trường Sa tiếp tục săn lùng những bức ảnh để đưa vào bộ sưu tập lớn của mình. Với 2 chiếc máy ảnh nhà nghề, Hoàng Chí Hùng đã lao động miệt mài trên boong tàu bất kể giờ giấc. Theo anh kể, có một sự trùng hợp lạ lùng là 4 lần vượt trùng dương là cả 4 lần gặp bão tố: “Do bão lớn nên tàu không thể cập được bến, cơ hội chụp ảnh cũng không còn và nếu đưa máy ảnh ra chụp thì cũng dễ bị hư hỏng hơn nếu không biết cách bảo quản”. Không chỉ hư máy mà nhiều người còn bị say sóng, say gió khi ra khỏi boong tàu để tác nghiệp. Chưa bao giờ nghị lực và ý chí của nhà báo lại được thử thách và tôi luyện mãnh liệt đến như thế. Nhưng chính thời tiết khắc nghiệt như thế mới là cơ hội để có những bức ảnh quý ở Trường Sa mùa mưa bão và giá trị nhất vẫn là chùm ảnh về đàn cá heo và cá voi hay xuất hiện trước bão. “Những bức ảnh đắt giá luôn là những bức ảnh chụp về sóng ở Trường Sa vì không có sóng thì biển cũng chỉ là một dòng sông lớn mà thôi” – anh tâm sự.
Cảm xúc nào với thiên nhiên dù đẹp đến mấy vẫn không bằng cảm xúc thiêng liêng khi được giao lưu và tiếp xúc với những con người trên đảo. Gặp người từ đất liền ra nhất là các anh em văn nghệ sĩ quân và dân trên đảo ai cũng niềm nở đón tiếp với tình cảm chân thật và nồng ấm. Ra vào nhiều lần nên bộ đội hải quân đối với anh cũng không còn xa lạ, chỉ cần thấy từ xa là mọi người trên đảo dễ dàng nhận ra anh. Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân, Đại tá Nguyễn Đức Vượng – Phó chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 hải quân đã trở thành người thân thiết từng viết cảm tưởng vào 2 cuốn sách ảnh Trường Sa thân yêu và Sức sống Trường Sa của tác giả Hoàng Chí Hùng do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.
Hương Thủy
Bình luận (0)