Được tạo thành bởi dòng nham thạch chảy ra từ một khe nứt trái đất, Iceland có hơn 200 núi lửa tạm ngưng phun trào, hàng trăm suối nước nóng và mạch nước phun đang hoạt động. Nhờ vậy, cảnh vật ở đây không chỉ đẹp mà còn có nhiều nét độc đáo. Thật kỳ thú khi đặt chân đến nơi này.
Lời tri ân từ Bắc Mỹ
Nhanh chóng vượt qua bầu trời Na Uy, Thụy Điển và sau gần 3 giờ bay trên biển tiếp đó, tôi cùng các bạn đồng nghiệp ở Công ty năng lượng Nord Pool Spot (NPS) được tiếp cận với Iceland vào một ngày chớm đông Nhâm Thìn 2012. Chủ động ngồi cạnh cửa sổ nên khi máy bay hướng về Bắc cực, tôi có dịp nhận ra một đường cong ở phía chân trời, chỉ có đám mây trắng lớn mới giúp ngăn cách được màu xanh của bầu trời và vùng biển rộng.
Đến vùng đất của nham thạch
Đá từ dung nham khô và nước trong suốt – Ảnh: Châu Đình Huy
Thủ đô Reykjavik của Iceland khi chúng tôi vừa đặt chân đến không có nắng, lạnh hơn và gió cũng nhiều hơn Phần Lan, nơi đoàn xuất phát. Lần đầu đến hòn đảo trẻ này, tôi thấy sân bay không ồn ào náo nhiệt như những sân bay quốc tế khác mà tôi từng đến. Khung cảnh nơi đây hơi giống sân bay Buôn Ma Thuột mà tôi có dịp dừng chân cách đây nửa năm trước. Chỉ có điều, ở đây rất hiếm khi gặp những cây cao quá đầu gối vì trước đó nham thạch liên tục chảy tràn trên mặt bằng của Iceland. Bây giờ thì nham thạch đã khô, tạo ra những vùng đá rộng có hình dáng tuyệt đẹp, nhưng cây cối thì rất khó “đâm chồi”.
Ở những vùng đô thị ít ỏi trên đất nước này còn có nhà cửa vươn cao đôi chút và sát liền nhau, chứ ra khỏi những nơi đó thì cây rất thấp nên “mỗi khi đi lạc, chỉ cần đứng dậy là tìm thấy đường” như những cư dân ở đây nhắc nhở nhau. Ngay giữa thủ đô Reykjavik, du khách dễ dàng nhận ra nhà thờ Hallgrímskirkja thuộc giáo phái Lutheran – được đặt theo tên thi sĩ nổi tiếng Hallgrímur Pétursson ở đây và cũng là linh mục nhà thờ. Cao 74,5m, đây là nhà thờ cao nhất của Iceland và là kiến trúc cao thứ 6 của đất nước này, với kiến trúc bên trong không thật đẹp như nhiều nhà thờ ở Việt Nam.
Thế nhưng, nhà thờ này tạo ấn tượng mạnh cho du khách với kiến trúc lạ, phỏng theo hình ảnh dung nham đang chảy. Ngay sau thế chiến thứ hai, nhà thờ được xây dựng khoảng 40 năm mới hoàn thành. Đây cũng một trong những nơi ghi dấu những người đầu tiên khai phá đảo quốc này và còn hấp dẫn du khách bởi những chứng tích độc đáo của việc hình thành châu Mỹ xa xôi ngày nay.
Khi đi trên một chiếc cầu nằm trong công viên quốc gia Bingvellir, tôi còn sờ được “mẫu đất đá châu Mỹ nguyên thủy” của vách núi bên phải thành cầu. Theo những nhà khảo cổ, chính nơi đây là một phần ranh giới của châu Âu và châu Mỹ. Do những biến động địa chất trong lòng đại dương, cách đây khoảng 20 triệu năm, Iceland được hình thành từ những lần phun trào núi lửa tại khe nứt trong lòng Đại Tây Dương. Có thể hiểu toàn bộ đất nước này chính là phần nổi lên trên bề mặt nước của những dãy núi vừa nêu, hai vách núi còn nằm lại trên lãnh thổ Iceland sát thành cầu mà tôi đi qua đã bị tách ra trước đây, đẩy phần lớn từ khe nứt bên phải dãy núi trôi dạt hình thành châu Mỹ ngày nay. Khoảng gần 500 năm trước khi Christopher Columbus khám phá châu Mỹ (năm 1492), thật ra việc tìm đến các vùng đất châu Mỹ gần Bắc cực như Greenland, Vinland… đã do những nhà thám hiểm các nước Bắc Âu thực hiện, trong đó có công lớn của người con nước Iceland là nhà thám hiểm Leif Eriksson. Năm 1930, trên mảnh đất mà 15 năm sau nhà thờ Hallgrímskirkja mới được khởi công, tượng đài Leif Eriksson đã được chính người dân Bắc Mỹ xây dựng như một lời tri ân tổ tiên của mình với lời khắc: “Leif Eriksson – người con của Iceland – đã tìm ra Vinland. Những người dân Mỹ gửi lời tri ân đến người dân Iceland nhân kỷ niệm 1.000 năm thành lập Hội đồng Chấp chính Iceland (930-1930)".
Nguồn địa nhiệt "đất cho"
Với quá nhiều núi lửa trên phần đất của mình, Iceland được xem là một trong những nơi có hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới. Cách đây trên 200 năm, khi núi lửa Laki phun trào, đất nước này đã bị thiệt thòi lớn vì mất mát đến 1/4 dân số vì chết đói. Bù lại, khi núi lửa tạm ngưng hoạt động một thời gian dài thì chính hệ thống thác nước và suối nước nóng dày đặc lại giúp cho người dân ở đây thu được nhiều mối lợi, nhiều khách du lịch quốc tế đến đây tham quan và nghỉ dưỡng.
Cách thủ đô chỉ khoảng 35 km nên đến hồ nước nóng Blue Lagoon chỉ cần 20 – 25 phút ngồi xe buýt, đi tắm ở đây rất tốt cho sức khỏe và thoải mái như đi tắm bùn khoáng nóng ở Nha Trang. Đặc biệt là mùa đông thì Blue Lagoon thật tuyệt khi mình ngâm trong nước nóng, và đầu còn được hứng… tuyết rơi. Vừa lạnh vừa ấm, “đã” vô cùng! Ở Phần Lan tôi đã từng được tắm sauna vào mùa đông, ngồi trong phòng (nhiệt độ khoảng 80 – 90oC) trong vòng 20 phút rồi chạy ra ngoài trời lăn mình vào đống tuyết (-10oC đến -15oC), chênh lệch nhau đến cả 100 độ. Đúng là mỗi nơi có độ hấp dẫn riêng !
Đến vùng đất của nham thạch 2
Chiếc cầu chính là ranh giới Âu – Mỹ – Ảnh: Châu Đình Huy
Xa hơn một chút, với 2 giờ trên xe buýt từ thủ đô, du khách có thể đến thăm một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Iceland là mạch phun nước nóng rất đẹp Geysir nằm trong thung lũng Haukadalur. Đây là mạch nước phun đầu tiên ở châu Âu, có lúc phun cao đến 70 m. Thời điểm đoàn chúng tôi đến được chứng kiến trực tiếp nước phun cao hơn 20 m, nhưng rất hay là liên tục phun, khoảng 5 – 6 phút/lần. Tôi còn được nhìn thấy và cảm nhận sự hùng vĩ của thác nước Gullfoss đẹp nhất Iceland nằm trong khu du lịch Golden Circle, ở đó có những khối nước khổng lồ đổ ào xuống các khe đá làm tung bọt nước trắng xóa thật đẹp mắt.
Cách đây gần 2 năm, một thợ lặn người Anh là Alex Mustard khi lặn sâu 25 m dưới vùng biển Iceland đã chụp được các bức ảnh chứng minh có kẽ nứt được tạo nên bởi hai mảng kiến tạo Bắc Mỹ và Âu-Á. Mustard nói: “Tôi đã từng đặt chân đến nhiều nơi và xin khẳng định rằng, nước biển ở Iceland là trong nhất trên thế giới”.
Không chỉ có rất nhiều sông suối, thác nước tạo nên nguồn thủy điện lớn, Iceland còn có nguồn địa nhiệt rất lớn được trữ ngay dưới lòng đất, đem lại gần 100% sản lượng điện nên người dân ở đây được sử dụng với giá thành rất rẻ. Ở vùng lạnh giá như các nước Bắc Âu thì quả thật nguồn địa nhiệt “đất cho” này trở thành một món quà vô giá để người dân được sưởi ấm, vừa rẻ vừa không gây ô nhiễm môi trường. Có lẽ đây là một trong những lý do để Công ty năng lượng NPS đã chọn hòn đảo này để tổ chức hội thảo quốc tế về năng lượng. Có lần, tôi đứng trên một một tảng đá lớn có hình thù khá đặc biệt mà thấy nước bên cạnh trong vắt, sâu đến 20 m mà vẫn phản chiếu rất rõ mây trên trời. Nghĩ lại, mình chắc chắn chưa đi được nhiều nơi như Mustard, nhưng lúc đó thì hoàn toàn phải tin vào điều ông ấy nói rồi.
Thiệt thòi và ưu đãi, so sánh thì biết mấy cho vừa. Nhưng, qua chuyện của đất nước Iceland mới thấy tạo hóa quả thật là hay!
Châu Đình Huy (TNO)
Bình luận (0)