Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đến xứ Thanh khám phá các câu chuyện “huyền bí”

Tạp Chí Giáo Dục

Đến Thanh Hóa, ngoài biển Sầm Sơn, bạn thắc mắc còn có thể đi đâu? Thực tế, mảnh đất này có khá nhiều điểm đến cho bạn khám phá.

Ngoài di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, khu lưu niệm gắn với tên tuổi một nhân vật nức tiếng trào phúng trong dân gian Nguyễn Quỳnh (tức Trạng Quỳnh) hay rừng Quốc gia Bến En… thì những câu chuyện kỳ bí xung quanh khu suối Cá thần Cẩm Lương và di tích lịch sử Lam Kinh-nơi có cây ổi biết cười có sức hấp dẫn đặc biệt.

“Ổi cười” ở Lam Kinh

Cách thành phố Thanh Hóa 46 km về phía Tây Bắc, thuộc huyện Thọ Xuân, khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê.

Suối cá Cẩm Lương đông khách thăm quan cả những ngày mưa. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Ngoài giá trị lịch sử, khu di tích này sở hữu hai “gia tài” đặc biệt, là tấm Bia Vĩnh Lăng to nhất cả nước làm từ đá trầm tích biển nguyên khối đặt trên lưng con rùa lớn và hai cây “ổi cười” (một cây ổi tàu và một cây ổi ta) phía trước Lăng vua Lê Thái Tổ.

Nghe nhiều người kể đến Lam Kinh có hai cây ổi biết cười, thoạt đầu tưởng chuyện hoang đường. Nhưng đến rồi mới thấy quả là thế.

Nếu cây trinh nữ (hay còn gọi là cây xấu hổ) cứ khẽ đụng vào sẽ cụp hết cành lại thì cây "ổi cười" nếu lặng gió, gãi nhẹ thân cây là những chiếc lá phía đầu cành sẽ rung rinh, khẽ lay động theo nhịp. Thử “cù” vào gốc thì cả cây lá rung động. Thử đi thử lại nhiều lần vì sợ hoa mắt nhìn nhầm nhưng người viết bài vẫn thấy điều lạ lùng ấy xảy ra.

Một cán bộ nghiên cứu lâu năm của khu di tích cho biết, ông chỉ thực sự biết đến câu chuyện về cây "ổi cười" cách đây 12 năm, khi ông Điền Ngọc Phách (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ) đến ở lại đây hai ngày phát hiện ra và nói lại với ông.

Vì cây đã gần trăm năm tuổi nên vị cán bộ này gọi cây là "mộc tinh." Và theo ông, "mộc tinh" có linh hồn, có cảm giác, tình cảm.

Chị Lê Thị Loan, hướng dẫn viên của khu di tích cho hay, “ổi mẹ” vừa chết năm 2010, cũng may các cán bộ ở đây kịp chiết một số cành nên còn giữ lại được giống cây có “gien cười.” Cô hướng dẫn viên cũng kể, một lần có vị khách nữ đến đứng dưới tán lá cho mát, vịn vào thân cây, một hồi thì thấy có luồng điện chạy dọc sống lưng… Không phải người duy tâm nhưng vị khách không thể phủ nhận về cảm giác rất khác lạ khi "kết nối" với cây ổi.

Năm năm trước, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả.

Không chỉ độc đáo với cây ổi có “máu buồn,” khu Di tích lịch sử Lam Kinh còn có năm cây cổ thụ vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam (cây lâu đời nhất 600 năm) hồi đầu tháng Tám vừa qua. 

Cây ổi cười trồng trong khu vực lăng mộ vua Lê – Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+

Lạ lùng suối “cá thần”

Suối Cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy được coi là điểm du lịch tâm linh sinh thái nổi tiếng của quê hương điệu hò sông Mã.

Lạ lùng là hàng ngàn con cá dốc nặng từ 2-8 kg (thuộc bộ cá chép và có tên trong sách đỏ Việt Nam) chỉ bơi quanh quẩn ở một đoạn suối nước trong vắt kể cả những ngày mưa và không mùi tanh dài gần 100m. Thức ăn của chúng là lá cây.

Cuối mỗi ngày, đàn cá sẽ bơi vào hang sâu trong lòng núi qua một khe hang nhỏ để trú ẩn. Chúng là giống cá khác biệt với hai bên mép màu đỏ tươi. Người trong vùng có niềm tin rằng đây là giống cá thần hiếm có và sự sinh sôi sung túc của chúng sẽ mang lại no ấm, yên vui cho dân làng.

Đền thờ thần Rắn sau cây cầu đỏ bắc qua suối cá là nơi dừng chân của nhiều khách thăm quan. Dân gian trong vùng còn tương truyền câu chuyện về thần Rắn. Nếu ai cả gan dám động vào đàn cá vị thần sẽ huy động bầy rắn từ trong núi đá ra trừng phạt, gieo họa.

Trong truyền thuyết của dân tộc Mường, ngày xưa, bản Ngọc dưới chân dãy Trường Sinh thường xuyên chịu cảnh mất mùa do hạn hán. Có hai vợ chồng nọ muộn con thường ra ven suối trồng trọt và bắt cua cá kiếm sống. Bỗng một ngày, người vợ mò được một quả trứng lạ dưới suối. Mặc dù mấy lần thả quả trứng xuống nước nhưng cuối cùng bà vẫn mò được nó.

Thấy lạ bà liền bỏ quả trứng vào giỏ mang về nhà, kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Rồi họ quyết định đem trứng cho gà ấp thử thì ít ngày sau từ quả trứng nở ra một con rắn. Ông lão liền mang rắn ra suối Ngọc thả. Nhưng chuyện lạ lùng vẫn tiếp diễn, khi cứ sáng thả ra thì tối rắn lại tìm về, cuộn vắt vẻo trên xà nhà và dần dần sống thân quen như những con vật nuôi khác.

Từ khi rắn sinh ra, đồng ruộng ở bản Ngọc bỗng trở nên tươi tốt lạ thường, dân Mường được ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống yên bình cứ thế trôi đi, cho đến một hôm mưa bão đùng đùng, sấm rền vang trời thâu đêm, đến sáng, người dân thấy xác rắn nằm dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc.

Đàn "cá thần" bơi ngược vào hang cuối mỗi ngày – Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+

Dân làng được thần linh báo mộng cho biết, “chàng Rắn” vì chiến đấu với thủy quái về phá hoại bản làng mà phải bỏ mạng và đã được Ngọc Hoàng phong là Thần, giao cho chức Tứ Phủ Long vương.

Người dân sau đó bảo nhau lập đền thờ bên bờ suối để tưởng nhớ công lao Thần rắn. Cũng kể từ đó, suối Ngọc xuất hiện đàn "cá thần" hàng nghìn con về chầu thần và canh gác quanh đền Ngọc cho đến tận giờ.

Phải chăng vì thế mà người dân nơi đây cũng như khách thập phương đến vãn cảnh kỳ thú này đều không ai dám bắt hay ăn thịt đàn cá đông đúc dưới suối.

Và cứ hàng năm, vào tháng Giêng âm lịch, suối cá thần Cẩm Lương lại thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm và dự lễ hội rước cá Thần truyền thống của người Mường./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Bình luận (0)