Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dẹp chợ tự phát: Có dẹp nổi thực phẩm bẩn?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước những bức xúc của người tiêu dùng về vấn nạn thực phẩm bẩn, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM gửi kiến nghị lên UBND TP về việc dẹp 100% chợ tự phát. Nhưng liệu dẹp được chợ tự phát có thật sự dẹp được thực phẩm bẩn?

Chợ tự phát bày xuống lòng đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh)

Thực phẩm bẩn đâu chỉ ở chợ tự phát

Dẹp chợ tự phát để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, đó là mục đích của Sở Y tế TP.HCM. Tuy nhiên, trên thực tế, thực phẩm bẩn có ở rất nhiều nơi, từ nội đến ngoại thành nên không phải cứ dẹp chợ tự phát là dẹp thực phẩm bẩn. Đó là hầu hết ý kiến của người dân, cũng như tiểu thương mà phóng viên tiếp xúc.

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ, tiểu thương chợ tự phát trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) thì: Dẹp chợ tự phát là dẹp lòng lề đường, trả lại mỹ quan đô thị chứ không phải để dẹp vấn nạn thực phẩm bẩn. “Rau củ quả, thịt heo, gà, bò… sạch hay bẩn phụ thuộc rất lớn vào khâu sản xuất, chế biến chứ không phải ra chợ mới bẩn”, chị Mỹ nói.

Còn người tiêu dùng là công nhân, lao động thu nhập thấp như chị Đỗ Thị Thu (Q.10) thì cho rằng: “Chưa chắc thực phẩm bán trong siêu thị, chợ là sạch, là đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng có thói quen vào siêu thị, chợ lớn để mua thực phẩm, đúng hơn là “mua” cảm giác an tâm hơn là sự an toàn thực phẩm đúng nghĩa. Hơn nữa, không phải thực phẩm bán ở chợ tự phát là không an toàn”. 

Mặt khác, theo chị Thu đi chợ tự phát là do tiện đường đi làm về ghé mua vài món, còn vào chợ vừa mất thời gian vừa tốn tiền gửi xe rồi lội bộ chen chúc, nhếch nhác. Và hơn hết, giá mỗi mặt hàng ở chợ tự phát thường thấp hơn so với trong chợ.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến có rằng chỉ nên dẹp dứt điểm những chợ tự phát hoạt động không hiệu quả và nên giữ lại chợ tự phát không ảnh hưởng đến an toàn giao thông và chấp hành tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần quan tâm đến đời sống tiểu thương

Xung quanh vấn đề dẹp chợ tự phát, cũng có khá nhiều người không đồng tình vì thực tế lâu nay càng dẹp càng rối. Và muốn gỡ rối thì trước hết phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, cụ thể là tiểu thương của chợ và đội ngũ vận chuyển, phân phối thực phẩm.

ThS. Đỗ Nguyên Minh, giảng viên Bộ môn xã hội học đô thị (TP.HCM) nhìn nhận: Nếu thử quan sát ở một chợ tự phát, có hàng chục, thậm chí hàng trăm con người mưu sinh. Mỗi tiểu thương có thể nuôi cả gia đình từ 2-3 nhân khẩu. Vậy dẹp chợ tự phát rồi, họ làm gì để nuôi thân và gia đình? Đáp ứng yêu cầu phát triển, một TP văn minh, đảm bảo mỹ quan đô thị là cần thiết tuy nhiên cũng cần có giải pháp căn cơ, kế sinh nhai cho người dân. Đặc thù của chợ ở Việt Nam, đặc biệt là chợ ở các tỉnh, TP lớn phía Nam, một số chợ tự phát lại hút khách hơn cả chợ truyền thống trên địa bàn. Chính vì thế, việc dẹp chợ tự phát cũng cần cân nhắc chợ nào dẹp hẳn và chợ nào cần duy trì.

Ghi nhận của phóng viên, tại một số vùng ven, chợ truyền thống được xây mới khang trang nhưng không có tiểu thương đăng ký, đành phải bỏ hoang. Một vài chợ hoạt động thì èo uột, cầm chừng, trong khi đó chợ tự phát thì mọc lên như nấm sau mưa và chỉ cách chợ mới xây chừng vài trăm mét. Đây cũng là lý do mà ThS. Minh đề xuất cần có cuộc khảo sát nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trước khi thực hiện xây chợ.

Để dẹp chợ tự phát một cách hiệu quả, TS. Nguyễn Thanh Bằng – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng: “Cần có con số cụ thể tiểu thương từ chính quyền địa phương để có quy hoạch đầy đủ, thống nhất và hiệu quả. Hiện tại TP.HCM có nhiều chợ hoành tráng nhưng tiểu thương dè dặt đăng ký, thậm chí quyết bỏ chợ truyền thống. Chúng ta phải tháo gỡ tại sao lại có tình trạng này để không phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây chợ rồi bỏ hoang, lại không giải quyết được vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân…”.

Bài, ảnh: T.Anh        

 

 

Bình luận (0)