Đã ở ngoài tuổi 80, chiến tranh và tù đày lấy đi rất nhiều sức khỏe của đôi vợ chồng già. Nhưng cuộc sống tinh thần của họ thật sự viên mãn khi con cháu đều phương trưởng và những vần thơ do ông bà sáng tác luôn đem lại nét tươi trẻ, tâm hồn thanh xuân trong căn nhà cuối con hẻm nhỏ đường Nguyễn Huy Tưởng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đó là hạnh phúc về già của đôi vợ chồng thầy giáo Trần Nguyên Phò (nguyên Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM) và cô giáo Lại Thị Phấn (nguyên GV Trường TH Nguyễn Bá Ngọc, Q.Bình Thạnh).
Hạnh phúc về già của đôi vợ chồng nhà giáo Trần Nguyên Phò |
Khi đứa con trai thứ 3 vừa mới được vài tuổi, thầy giáo Trần Nguyên Phò – GV Trường cấp 3 Thái Phiên, Hải Phòng vào Nam công tác để lại bao nỗi vất vả cho người vợ là cô Lại Thị Phấn – GV Trường cấp 1 Trần Quốc Toản, khu Lê Chân, TP.Hải Phòng.
Chiến tranh chia lìa đôi lứa
Đây cũng là năm chiến tranh ác liệt nên bà phải theo trường đưa các con đi sơ tán ở vùng nông thôn. Một nách 3 đứa con và mỗi ngày phải lên lớp giảng dạy, biết bao nhiêu công việc hàng ngày đến với đôi tay đảm đang của người phụ nữ xa chồng thời chiến. Nhờ được ưu tiên trong một ngôi trường tư thục cũ và có chiếc xe đạp chồng để lại, bà như có thêm đôi chân để chạy ngược chạy xuôi việc nhà và việc trường.
Nhưng đó không phải là sự vất vả của một người mẹ biết thương con nhớ chồng mà là sự thiệt thòi của một mái nhà thiếu trụ cột vững chãi của người đàn ông. Thay cho câu chuyện kể, bà Phấn ngồi đọc cho tôi nghe đoạn thơ trong bài Nhớ anh do bà mới sáng tác: “Chồng tôi đi chiến trường B. Ba con nhỏ dại mọi bề vấn vương. Mẹ con nằm gọn một giường. Nhìn con, mẹ biết lòng thương con nào”. Theo lời kể của ông bà, trước đó dù hai người khác xã nhưng nhà ở gần nhau lại có người giới thiệu nên họ quen rất nhanh. Cưới nhau xong, cô dâu người Thái Bình ra Hải Phòng theo học một lớp sư phạm cấp tốc để “nối nghiệp” chồng. Cái duyên nối vào cái nghiệp cho hai người. Thương con, biết bao bịn rịn khi vác ba lô ra chiến trường, thầy giáo Trần Nguyên Phò chỉ biết dặn vợ con ráng chờ ngày tan bóng thù để đoàn tụ gia đình. Thế nhưng chỉ một thời gian sau nỗi nhớ thương của người vợ không thể gì nói hết khi bà biết tin ông bị địch bắt giam ở Cần Thơ rồi sau đó bị lưu đày ra đảo Phú Quốc. Nhưng cũng vì thế mà bà lại càng làm việc và nuôi dạy con cái tốt hơn để xứng đáng với người ở ngoài mặt trận. Ngồi trên chiếc xích đu trước hiên nhà, bà tiếp tục kể chuyện bằng thơ: “Con ơi vì nước vì non. Mà thân mẹ khổ mà con gầy mòn. Mẹ như ngậm quả bồ hòn. Mẹ không dám nói làm con buồn rầu”. May mắn cho bà dù vất vả nhưng nhờ có các con đỡ đần, chăm ngoan biết nghe lời ông bà cha mẹ. Vài năm sau, cô con gái lớn Trần Thị Phương học giỏi hết cấp 3 trở thành lưu học sinh ưu tú của Liên Xô cũ.
Gia đình nhà giáo Trần Nguyên Phò trở lại thăm Phú Quốc năm 2015 |
Năm 1973 sau chiến thắng trên bàn tròn của hiệp định Paris, cựu tù Trần Nguyên Phò được giặc trao trả trong niềm vui của gia đình. Thế nhưng sau một năm ông lại có quyết định trở lại chiến trường để dồn lực cho ngày toàn thắng cận kề.
Tự hào gia đình nhiều thế hệ nhà giáo
Ngày chia tay lên Hà Nội, bà chỉ biết dặn lòng và dặn người ra đi trong nỗi nhớ thương vô tận. Thế rồi chiến thắng 30-4-1975 đã giữ chân ông lại khi chưa kịp vượt Trường Sơn lần hai. Nhưng cũng không lâu sau đó đúng 1 tuần ông được Bộ Giáo dục cử lên chuyến bay thứ 2 vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ tiếp quản giáo dục của TP mang tên Bác.
Cuối năm đó bà cùng 4 người con “khăn gói” theo chồng vào vùng đất mới lập nghiệp. Có thể nói đây cũng là thời kỳ phải đương đầu chống chọi với bao khó khăn khi nền kinh tế thời bao cấp quyết định tất cả. Cũng theo lời kể của ông, khó khăn nhất là việc học của các con vì chương trình hai miền lúc đó lệch nhau nên các cháu đều phải học lại một lớp. Khó khăn là thế nhưng ông bà vẫn chăm soạn giáo án để lên lớp và dạy dỗ các con tất cả nên người. Không chỉ cô con gái lớn là Trưởng khoa Giáo dục mầm non (ĐH Sài Gòn), cô gái út là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, con dâu là GV Trường THCS Thanh Đa mà các cháu ngoại nội cũng đang dạy và học ở Trường ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế TP.HCM. Con gái, cháu ngoại cháu rể của hai ông bà nhiều người đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ và đang theo chương trình nghiên cứu sinh để tiếp nối bước chân ông bà.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)