Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đẹp mãi tình thầy trò!

Tạp Chí Giáo Dục

Sau năm 1975, Ban Tuyên huấn Khu 8 giải thể, thầy trò kẻ Bắc người Nam để lại bao lưu luyến cho cả một thế hệ HS thời kháng chiến. Thế nhưng, với ân nghĩa “tôn sư trọng đạo” sâu nặng nên chỉ sau một thời gian ngắn, sợi dây tình cảm thiêng liêng đó bắt đầu được kết nối để tình thầy trò vẫn đẹp như xưa.

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn (giữa) thầy giáo cũ Chu Cấp trong những ngày gặp lại

Hàng năm, cứ vào dịp Ban Tuyên giáo Khu 8 chuẩn bị tổ chức họp mặt truyền thống, nhiều thầy cô thuộc Tiểu ban Giáo dục của vùng Trung Nam bộ lại tất bật với từng công việc chuẩn bị để có một ngày hội nhà giáo kháng chiến thật ý nghĩa.

Ngôi nhà chung của thầy trò

Người được giao trọng trách nhiều nhất là nhà giáo Lê Hà – nguyên Phó Tiểu ban Giáo dục tỉnh Kiến Phong. Ngoài việc lo tiền trạm, thầy giáo già Lê Hà với chức vụ Trưởng văn phòng Ban Tuyên huấn Khu 8 Trung Nam bộ còn phải phân công người viết giấy mời cho các đồng nghiệp tại chỗ, vừa lục tìm danh bạ để gọi điện thoại cho các thầy cô vốn chung Hội đồng sư phạm trước đây. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng thầy Lê Hà vẫn không từ chối công việc mà mình đã tham gia cả chục năm nay với nguyện vọng còn gặp được anh em ngày nào. Theo lời kể của thầy giáo Lê Hà, dù thời gian đã trôi qua 15 năm nhưng mọi người vẫn nhớ cuộc hội ngộ của Tiểu ban Giáo dục Khu Trung Nam bộ được tổ chức lần đầu tiên tại TP.HCM. Đằng sau những cái ôm nồng ấm thật chặt còn có cả đôi mắt ngấn lệ vì sung sướng giữa ngày tái ngộ. Bắt đầu từ đó, trang ký ức về những tháng ngày dạy chữ giữa lòng địch lại hiện ra trong kỷ niệm nhớ nhớ quên quên lẫn lộn. Đó cũng là tâm trạng đầy cảm xúc của NGƯT Nguyễn Trọng Đàm – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp một thời vào sinh ra tử trong khói lửa. Thời đó chiến tranh khốc liệt như một màn đêm không cho phép các thầy cô nhận mặt nhau dù cùng chung một chiến hào mặt trận văn hóa tư tưởng. Nhưng những kỷ niệm hiện hữu được chắp nối dần đã giúp đồng nghiệp có cơ hội “nối vòng tay lớn” giữa ngày hòa bình đã im bặt tiếng súng. Với cương vị là Phó Giám đốc Sở Giáo dục Khu 8, nên hầu hết ở vùng đất nào có lớp học là có dấu chân của người cán bộ quản lý giáo dục quê ở Thanh Hóa tình nguyện vào Nam công tác. Trước đây, lo sợ giữa vòng vây bố ráp của quân thù tàn bạo thì nay lại tự hào hãnh diện trước vòng vây đoàn tụ của anh em trong ngôi nhà chung giáo dục Tây Nam bộ. Cùng với các cán bộ giáo dục đi mở lớp sư phạm, NGƯT Nguyễn Trọng Đàm xứng đáng được các thế hệ HS vùng kháng chiến thường gọi đùa là “sư tổ” vì hầu hết “sư phụ” của họ đều là HS của thầy Đàm có mặt khắp 8 tỉnh Trung Nam bộ. Trong buổi họp mặt khó có thể phân biệt được ai là thầy và ai là trò vì bây giờ tất cả đều tóc bạc như nhau. Thế nhưng, những tiếng dạ thưa cùng với thái độ lễ phép khoanh tay cúi đầu chào chính là những tín hiệu rõ nhất về ngôi thứ và niềm kính cẩn đối với người từng một thời ân cần dạy chữ.

Đẹp mãi dòng sông nghĩa tình

Họ không thể nào quên được công ơn của những người gieo chữ trong bão đạn, cũng như tình thầy trò sẽ chẳng bao giờ nhạt phai dù thời gian cứ trôi theo năm tháng cuộc đời. 

Tuy không phải là một GV của Tiểu ban Giáo dục Khu 8 nhưng bà Nguyễn Thị Long, ngụ tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn được các thế hệ HS và GV tìm đến với cách gọi thân thiết là cô Ba Quý. Theo lời kể của nhà giáo Trần Nguyên – một GV từ Hải Phòng vượt Trường Sơn vào Nam dạy chữ, nhà giáo Nguyễn Văn Quý – chồng bà Nguyễn Thị Long vào Nam hoạt động trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt vì lúc đó ông đã có gia đình. Để lại người vợ hiền cùng đứa con trai lớn mới hơn 2 tuổi. Gia đình của thầy lúc này không chỉ là nếp nhà tranh nho nhỏ ở xã Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An mà là những lớp học lợp bằng tranh tre trong vùng kháng chiến. Mặc cho bom đạn bố ráp, những bài học của thầy trò cách mạng vẫn ấm tình người, tình bạn. Trên lớp bục giảng và tấm bảng đen bằng miếng gỗ rừng là khoảng cách giữa hai thế hệ nhưng khi về lán trại thầy trò lại trở thành đồng đội của nhau nên tình cảm thân thiết như con một nhà. Mất mát là chuyện khó tránh khỏi trong chiến tranh, nhưng một thầy giáo hy sinh hay một HS ngã xuống sau một trận bom của địch là mọi đau thương bao phủ lên cả ngôi trường.

Nhiều thầy cô như nhà giáo Phạm Hứa, nhà giáo Trần Nguyên Phò bị bắt và sau đó đưa ra Côn Đảo, Phú Quốc giam cầm nhưng các em vẫn hy vọng chờ ngày trở lại trường. Câu chuyện đi lạc vào tận đất Campuchia tưởng là bị địch bắt đến nay cô giáo Phạm Thị Hải Ấm – nguyên GV của một trường kháng chiến vẫn còn nhớ mãi. Cho đến khi các cô tìm đường trở về trường cũ, nước mắt các em HS mới thôi rơi vì quá mừng rỡ như gặp được cha mẹ mình sau nhiều ngày xa vắng. Hầu hết HS các lớp đều thoát ly gia đình xa ba mẹ nên coi thầy cô như người anh người chị trong gia đình thân yêu của mình. Bây giờ mỗi khi nhắc đến tên từng người, các em HS thời đó dù bây giờ đã thành ông thành bà vẫn thấy mình còn nhỏ bé trước mặt thầy cô một điều “dạ thưa” kính cẩn. Đó cũng là tình cảm của Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn với thầy giáo cũ của mình là nhà giáo Chu Cấp sau những năm gặp lại chuyện trò tưởng như không bao giờ hết. Có lẽ không họ thể nào quên được công ơn của những người gieo chữ trong bão đạn, cũng như tình thầy trò sẽ chẳng bao giờ nhạt phai dù thời gian cứ trôi theo năm tháng cuộc đời.

Có GV đã mất, các em HS quay lại mang ơn người thân của thầy cô cũ dù đó là chồng, vợ hay con cháu của thầy cô. Tình cảm đó đẹp đến lạ kỳ như từng lớp phù sa cứ đọng mãi giữa đáy dòng sông ân nghĩa dù nước dòng sông ngày đêm đưa nhau chảy ra biển rộng.

Bài, ảnh: Ngọc Quang

 

Bình luận (0)