Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dệt may có nhiều đơn hàng sớm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đã ký được đơn hàng cho đến gần giữa năm 2011. Thậm chí, cá biệt còn có doanh nghiệp ký được hợp đồng đến hết năm. Đơn giá gia công cũng tăng 10-15% so với năm 2010.

Một phân xưởng dệt may. Ảnh: TTXVN.
Ông Thân Đức Việt, Giám đốc Điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, đã ký hợp đồng đến hết tháng 4, đầu tháng 5-2011. Giá đơn hàng so với năm 2010 có tăng. Việc ký được các đơn đặt hàng này là tín hiệu khá mừng cho các doanh nghiệp vì năm 2010 giá các đơn hàng so với năm 2009 tăng không đáng kể. Các thị trường chính của công ty là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
“Lãi suất ngân hàng ở mức gần 20% hiện nay ảnh hưởng không chỉ đến nhà sản xuất mà cả những nhà cung cấp. Do ngành may có đặc thù là khâu sản xuất cuối cùng và phải mua các nguyên phụ liệu. Với lãi suất cao như vậy đương nhiên các doanh nghiệp sản xuất trong nước chịu áp lực rất lớn về chi phí đầu vào”- Ông Việt phân tích.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện ngành dệt may đã coi trọng hơn thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp khẳng định được vị trí của mình, góp phần đưa thị phần sản phẩm dệt may trong nước tăng lên. Bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may hiện nay vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nhất là khi giá bông, xơ sợi trên thế giới tăng cao.
Theo ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tính đến tháng 11 sản xuất cũng như xuất khẩu ổn định và tăng trưởng cao. Một trong những sản phẩm có tốc độ tăng cao nhất là quần áo người lớn, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 10 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Khả năng xuất khẩu 11 tỷ USD cả năm là trong tầm tay. Hy vọng tăng trưởng dệt may năm 2011 vẫn đạt như năm 2010. Các thị trường chính của ngành dệt may vẫn là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Năm 2011, việc các đơn hàng đến sớm một phần do Trung Quốc giảm may mặc xuất khẩu mà tập trung cho sản xuất hàng tiêu thụ nội địa nên một lượng khách lớn đã tìm đến Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi, hàng dệt may Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khá mạnh từ Pakistan do nước này được giảm thuế nhập khẩu vào EU với mức giảm 12% -14%.
“Một trong những khó khăn nữa với ngành dệt may là đầu vào tăng nhưng các nhà nhập khẩu không chấp nhận tăng giá. Bên cạnh đó, dù khả năng tăng trưởng có nhưng khả năng mở rộng thị trường của các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn”- Ông Đạo cho biết. Ngoài ra còn một loạt doanh nghiệp khác như Cty cổ phần may Đồng Nai (Donagamex) đã có hợp đồng sản xuất đến giữa 2011; Cty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) có hợp đồng sản xuất đến tháng 10 năm sau.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích: Đây là thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may, đồng thời chứng minh uy tín của doanh nghiệp trong ngành. Do là các doanh nghiệp xuất khẩu nên tỉ giá tăng cũng giúp doanh nghiệp có lợi trong việc xuất khẩu.
“Việc tỉ giá tăng chỉ ảnh hưởng tới những doanh nghiệp nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất trong nước. Điển hình là các doanh nghiệp dệt hoặc sợi. Với các doanh nghiệp xuất khẩu nước nổi thì bèo nổi nên không ảnh hưởng. Những doanh nghiệp nhập nguyên liệu để bán trong nước sẽ thiệt hơn”- Bà Dung cho biết.
Phạm Tuyên / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)