Ngày nay, tên của thành phố này đồng nghĩa với sự sa sút, mục nát và tội ác
Detroit – từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ – đã trở thành thành phố lớn nhất nước Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với số nợ gần 20 tỉ USD. Dịch vụ công ở đây gần như sụp đổ và khoảng 70.000 dự án bất động sản bỏ trống. Thống đốc bang Michigan Rick Snyder tuyên bố ông không thấy Detroit có được một sự lựa chọn nào khác. Trong bức thư gửi kèm lá đơn, ông Snyder viết: "Detroit không thể kiếm đủ thu nhập để đáp ứng các nghĩa vụ hiện nay của mình".
Thống đốc bang Michigan Rick Snyder nhận định Detroit không có sự lựa chọn nào khác Ảnh: BLOOMBERG
Douglas Bernstein, luật sư chuyên về phá sản, cho biết ông dự kiến vụ việc của TP Detroit sẽ kéo dài từ 1 đến 3 năm và sẽ rất tốn kém. Ông khẳng định: "Vụ này có thể tốn hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD". Nếu được một tòa án liên bang chấp thuận, tình trạng phá sản sẽ buộc hàng ngàn chủ nợ của Detroit phải thương lượng với nhà chức trách TP để giải quyết khoản nợ trên. Dự kiến, các chủ nợ của Detroit sẽ phải chịu những khoản thiệt hại khổng lồ và tương lai của tiền lương hưu trí và các phúc lợi về y tế cho hàng ngàn công nhân TP trong tình trạng nguy ngập.
Dân số Detroit đã sụt giảm 25% trong thập kỷ qua và nay chỉ còn lại 700.000 người. Số người về hưu hiện gấp đôi số công nhân còn đang làm việc. Chẳng một TP nào khác ở Mỹ phải chịu đựng gánh nặng của xu hướng giảm công nghiệp hóa nặng nề như Detroit – TP có 1/4 số tòa nhà bị bỏ phế ở một số khu vực ngoại ô.
Theo hãng tin Reuters, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Amy Brundage thông báo Tổng thống (TT) Barack Obama và đội ngũ giúp việc cao cấp của ông đang theo dõi tình hình ở Detroit một cách sát sao. Thế nhưng, lần này TT Obama không hứa hẹn gì, không giống như lúc xảy ra vụ suy sụp kinh tế hồi năm 2008. Khi đó, chính phủ liên bang đã bơm hàng tỉ USD tiền mặt cho các hãng chế tạo ô tô General Motors và Chrysler. Bà Brundage nhấn mạnh: "Trong khi các nhà lãnh đạo và các chủ nợ của TP hiểu rằng họ phải tìm ra giải pháp cho thách thức nghiêm trọng về tài chính của Detroit, chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục mối quan hệ đối tác với Detroit".
Sau khi Detroit đệ đơn xin phá sản, hãng ô tô General Motors có trụ sở ở Detroit ra thông báo nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng ngày hôm nay có thể đánh dấu một khởi đầu tốt đẹp của TP". Còn hãng Ford Motor – ở khu vực ngoại ô Dearborn – lạc quan rằng các nhà lãnh đạo sẽ củng cố cộng đồng Detroit một cách thành công.
Detroit đã từng một thời phản ánh năng lực sản xuất của Mỹ. Các công ty tự động khổng lồ đã chuyển sang sản xuất máy bay, xe tăng và đạn dược trong thế chiến thứ hai, giúp TP giành được tên gọi thân mật là "Kho vũ khí dân chủ". Còn bây giờ, tên của TP này đồng nghĩa với sự sa sút, mục nát và tội ác. Việc cắt lương và giảm việc làm ở các sở cảnh sát và cứu hỏa đã tăng thêm cảm giác bất an ở đây. Ngân sách bị cắt giảm dẫn đến tình trạng đèn đường bị chập chờn, các vòi nước cứu hỏa không sử dụng được, còn xe cảnh sát và xe chữa cháy luôn trong tình trạng hỏng hóc, cần phải sửa chữa khẩn cấp. Đáng chú ý là trong quý I năm nay, chỉ 1/3 số xe cứu thương của Detroit còn hoạt động. Trong khi đó, tỉ lệ các vụ giết người ở Detroit hiện đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm nay.
theo NLĐ
Bình luận (0)