Thực trạng thất nghiệp của sinh viên và sự sụt giảm số người vào ĐH liên tục từ năm 2010 đến nay cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang tụt hậu không chỉ so với thế giới mà còn với cả nhu cầu thiết thân của nền kinh tế
Tại Đối thoại Giáo dục toàn cầu diễn ra ở Hàn Quốc mới đây, nhiều người đã phải đặt câu hỏi: Trong bối cảnh đổi thay vũ bão của giáo dục ĐH toàn cầu, giáo dục ĐH Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào và đang đáp ứng ra sao?
Tụt hậu giữa thế giới công nghệ
Tiến bộ công nghệ mang lại lời giải cho bài toán mở rộng lối vào ĐH với một chi phí không quá đắt đỏ và chất lượng có thể chấp nhận. Bên cạnh những tượng đài học thuật vẫn đang tồn tại như là biểu tượng của mô hình ĐH nghiên cứu truyền thống, chẳng hạn ĐH Harvard hay Cambridge, còn có những loại hình trường mới nảy sinh. Đó là các trường “khổng lồ” với hàng trăm ngàn sinh viên như ĐH Mở Quốc gia Indira Gandhi (Ấn Độ) – thành lập năm1985, hiện có 3,5 triệu sinh viên; ĐH Mở Trung Quốc – thành lập năm 1979, hiện có 2,7 triệu sinh viên; ĐH Islamic Azad (Iran), ra đời năm 1982 với 1,6 triệu sinh viên…
Những hình thức phi truyền thống đã ra đời, như đào tạo trực tuyến có thu phí và cấp bằng ở Coursera; đào tạo mở hoàn toàn, không thu phí và không cấp bằng tại Khan Academy.
Các trường ĐH Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng phương pháp chủ yếu là diễn giảng Ảnh: TẤN THẠNH
Tiến bộ công nghệ tác động trực tiếp đến hoạt động dạy và học. Sinh viên ngày nay được gọi là thế hệ i (i-generation) – những người sử dụng thành thạo và thường xuyên các thiết bị truyền thông kỹ thuật số, liên tục nối kết các mạng xã hội với mức độ giao tiếp ảo thay cho giao tiếp thật ngày càng tăng và tiếp thu một nguồn thông tin khổng lồ. Họ hoàn toàn không cần lối truyền giảng tri thức một chiều của nhà trường truyền thống vì không thầy cô nào đủ khối lượng kiến thức có thể so sánh nổi với kho kiến thức tuôn ra với một cái bấm chuột. Tiến bộ công nghệ đã cho phép việc học có thể cá nhân hóa triệt để và người thầy phải thích ứng với xu hướng ấy để tồn tại.
Trong 2 thập kỷ qua, giáo dục ĐH Việt Nam đã tiến một bước rất dài xét về mặt mở rộng cơ hội tiếp cận. Nhu cầu của kinh tế thị trường và chính sách mở cửa với giáo dục ĐH ngoài công lập đã đưa tỉ lệ người vào ĐH-CĐ trong độ tuổi ở Việt Nam tăng từ 2% lên xấp xỉ 20%, số sinh viên/10.000 dân hiện đã đạt mức khoảng trên 200.
Tuy vậy, thực trạng thất nghiệp của sinh viên trong vài năm gần đây và sự sụt giảm số người vào ĐH liên tục từ năm 2010 đến nay đã gửi đi một tín hiệu báo động. Nó cho thấy giáo dục ĐH Việt Nam đang tụt hậu không chỉ so với thế giới mà còn so với nhu cầu thiết thân của nền kinh tế.
Không học được điều gì đáng kể!
Cho đến nay, có thể nói hầu như các trường ĐH Việt Nam đều đang hoạt động theo phương thức truyền thống, với phương tiện chủ yếu là lớp học, giảng đường, thư viện; phương pháp chủ yếu là diễn giảng; thi cử chủ yếu là kiểm tra kiến thức.
Sự có mặt của tiến bộ công nghệ trong lớp học gần như chỉ là chiếc máy chiếu LCD projector. Vẫn còn ít những người thầy đưa các tài liệu giảng dạy vào lớp dưới hình thức nghe nhìn. Tương tác trong lớp học, dạy bằng cách làm dự án, tạo ra môi trường học tập trải nghiệm… vẫn là những hiện tượng chưa phổ biến. Mối quan hệ nối kết với giới doanh nghiệp và thế giới việc làm vẫn rất hạn chế.
Hệ quả, trường ĐH là nơi sinh viên đến chủ yếu để lấy tấm bằng, còn những gì cần cho cuộc đời họ, cả trong nghề nghiệp lẫn trong việc phát triển cá nhân, thì họ phải tự tìm kiếm ở bên ngoài. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn bởi thời gian của đời người có hạn mà những gì cần học thì vô biên. Những người có điều kiện tài chính thì tìm đến học trường nước ngoài hoặc các chương trình liên kết.
Thị trường giáo dục ĐH Việt Nam hình thành 2 phân khúc: hàng hiệu giá (quá) cao và hàng chất lượng kém giá rẻ. Phân khúc hàng thật giá phải chăng vẫn còn trống. Rốt cuộc, sinh viên ra trường với tấm bằng không xin được việc bởi trong những năm học ĐH, họ đã không học được điều gì đáng kể. Những người không có khả năng tự học ở bên ngoài nhà trường sẽ bị tụt lại phía sau ngày càng xa.
Có ý kiến cho rằng các trường mở ra ồ ạt, cung vượt quá cầu là nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp. Thật ra, chúng ta không thừa cử nhân vì tỉ lệ người vào ĐH của Việt Nam còn quá thấp so với khu vực. Chúng ta không thừa người có trình độ ĐH mà chỉ thừa người có bằng nhưng không có khả năng tự học và năng lực thích ứng.
Quan sát những biến chuyển trong thị trường giáo dục ĐH, có thể dễ dàng nhận thấy hiện tượng lạm phát bằng cấp đang leo thang. Thoạt đầu, bằng ĐH được xem là tấm vé vào cửa cho những vị trí công việc tốt. Sau đó là bằng thạc sĩ, rồi đến tiến sĩ. Hiện nay, có một tâm lý phổ biến là người ta không còn tin vào bằng cấp trong nước. Vì vậy, cuộc chạy đua với mục tiêu mới là bằng quốc tế trở nên nóng bỏng. Khi thị trường bằng cấp đã và đang tiếp tục bão hòa, tấm bằng không còn là sự bảo chứng cho năng lực nữa thì chỉ những người có năng lực thực sự mới có thể sinh tồn.
Không thể tách rời dòng chảy thế giới Hơn bao giờ hết, các trường ĐH Việt Nam, các doanh nghiệp và giới làm chính sách cần ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp phù hợp cho bối cảnh trong nước. Trong không gian toàn cầu, Việt Nam – một đất nước với 92 triệu dân nhưng có đến 134 triệu thuê bao điện thoại di động tính đến tháng 1-2014 và hơn 20 triệu tài khoản Facebook – không thể tách rời dòng chảy của thế giới. Thế hệ i đang sống trong một môi trường thông tin tràn ngập mà chúng ta chưa từng có. Nếu không tìm thấy điều mong đợi trong trường ĐH thì họ sẽ tìm kiếm nó ở bên ngoài hoặc sẽ lạc lối. |
Phạm Thị Ly
(NLĐ)
Bình luận (0)