Tòa soạnThư đi – tin lại

ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị: Giảng viên ảo, báo điểm khống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cơ ngơi của Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Hà Nội

Thành lập từ năm 2007, tính đến nay mới chỉ được hơn một “nhiệm kỳ” nhưng để tồn tại, Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) đã có nhiều sai phạm. Trong 6 năm tồn tại, trường cũng đã trải qua đến 3 “đời” hiệu trưởng và hiện tại trường đang trong tình trạng phó hiệu trưởng phụ trách trực tiếp.
“Hoành tráng” hóa lực lượng giảng viên
Trên website của mình (www.utm.edu.vn) trường có giới thiệu cơ cấu tổ chức gồm rất nhiều GS.PGS đầu ngành là giảng viên cơ hữu của trường. Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý là NGND.TS N.Đ.H, Trưởng khoa Khoa học là viện sĩ N.V.H, Trưởng khoa Khoa học sức khỏe là TS. L.B.T, Trưởng bộ môn ngoại ngữ là ThS. T.V.L, Trưởng bộ môn cơ bản là ThS. Đ.T.L. Cũng liên quan đến cơ cấu, trên website của trường còn cho biết, Khoa Kinh tế và Quản lý của trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm những nhà giáo nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy ĐH, nghiên cứu khoa học và hoạt động kinh doanh, trong đó GS chiếm 9%, PGS 41%, TS 25%, ThS 25%. Hoành tráng hơn, ở Khoa Khoa học, trường có tới 22 giảng viên cơ hữu gồm các GS, PGS, TS đầu ngành. Ở Khoa Kế toán, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có tới 20% là PGS, 35% TS, 35% ThS và 10% cử nhân. Khoa Công nghệ thông tin được giới thiệu là có một đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu mạnh về chất lượng (63% GS/PGS, 82% TS, 18% ThS), Ban chủ nhiệm khoa gồm các PGS, TS, ThS có kinh nghiệm quản lý và trực tiếp giảng dạy lâu năm. Khoa Kỹ thuật công nghệ có 57% là giảng viên cơ hữu, 43% là giảng viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, thực tế đó chỉ là con số giáo viên cơ hữu để báo cáo Bộ GD-ĐT. Vì thực tế, trong danh sách phát lương giảng viên cơ hữu của trường tháng 7-2013 chỉ có 7 người.  Rất nhiều trưởng khoa có tên trong cơ cấu nhưng không có tên trong bảng lương của nhà trường.
Nhập nhằng tuyển sinh
Hiện tại trường có khoảng hơn 300 SV. Tuy nhiên, trong biên bản họp hội đồng tuyển sinh năm 2011, ông Bùi Xuân Tứ sau khi kiểm tra hồ sơ tuyển sinh năm 2009, 2010 và 2011 của trường đã phát hiện có tới hơn 100 SV không đủ điều kiện học ĐH. Cụ thể có tới 5 SV có tổng điểm là 12,5 điểm (dưới điểm sàn của bộ), 145 SV giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi. Các SV này đều có giấy báo điểm của các trường thuộc khối an ninh, quân sự như: Học viện Cảnh sát Nhân dân; Học viện An ninh Nhân dân; Học viện Hậu cần nhưng thực chất không hề dự thi tại đây. Có 3 SV không thuộc các khối dự thi đăng ký của trường là B, C, V. 5 SV không có phiếu báo điểm, 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu báo điểm dự thi. Đặc biệt có 1 SV có phiếu báo điểm từ năm 2005. Trong khi đó chỉ có 83 SV đạt yêu cầu. Lý giải về những sai phạm này, bà Lê Thị Việt Hoa, nguyên Trưởng phòng Đào tạo của trường cho rằng năm 2011, hết nguyện vọng bổ sung đợt 2 nhưng trường mới chỉ tuyển được khoảng 50 SV. Khi đó, thầy Lê Vĩnh Thọ, lúc đó là Phó hiệu trưởng của trường có nói là trường giờ cần SV, nếu không có SV thì sẽ bị đóng cửa nên có giới thiệu một người tên là Bồng (người môi giới – PV) đến và đưa những giấy báo vào trường. Thầy bảo những giấy này là giấy photo màu và làm ở các trường an ninh, quân sự nên không đưa điểm lên mạng. Cho SV vào học để trường đông rồi người ta nhìn mới thấy đây là ngôi trường, sau sẽ đông lên. Bà Hoa thừa nhận khi kiểm tra điểm không thấy có nên đã để cho các em có giấy báo điểm photo ngày đó vào nhập học và học tại trường. Tuy nhiên, bà Hoa cũng khẳng định lý do ở đây là thầy Lê Vĩnh Thọ, Phó hiệu trưởng nhà trường lại là người của nhà đầu tư chỉ đạo như thế nên làm theo. Bà Hoa cũng thừa nhận rằng, do không thể lường trước được sự việc xảy ra nghiêm trọng như vậy nên khi đó, những giấy báo điểm cứ gửi qua bưu điện hoặc thầy Thọ đưa vào, hoặc có người bảo là người của thầy Thọ nên bà cho nhập theo chỉ đạo của thầy. 
Trước các sai phạm của trường, tại cuộc họp Hội đồng tuyển sinh năm 2011, ông Nguyễn Văn Thường, khi đó là Hiệu trưởng nhà trường đưa ra các giải pháp: 5 SV có điểm đầu vào 12,5 điểm sẽ công bố chuyển sang CĐ và ưu tiên liên thông lên ĐH theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Cho thôi học 3 SV sai khối B, C, D và SV có phiếu điểm năm 2005. Với 145 SV có giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi, yêu cầu 5 SV nộp phiếu báo điểm, yêu cầu 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi quay về trường xin xác nhận thông tin. Nếu gian lận sẽ cho thôi học theo quy chế. Tại cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và lãnh đạo nhà trường, ông Thường  khẳng định: “Không có chỉ đạo việc tuyển sinh dưới điểm sàn. Việc giấy báo điểm giả trước đây tổ thư ký và Phòng Đào tạo không báo cáo. Vì vậy, đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ sự việc”.
Sau khi sự việc gian dối nghiêm trọng trên bị phanh phui, vào tháng 11-2012, ông Nguyễn Văn Thường, Hiệu trưởng nhà trường và bà Lê Thị Việt Hoa đã có đơn xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị không có hiệu trưởng.
Trao đổi với báo chí ngày 23-11-2013, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: Bộ đã nhận được thông tin từ cơ quan công an về dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Hà Nội và bộ đã có văn bản gửi nhà trường yêu cầu báo cáo cụ thể. Được biết, trước đó, ngày 25-10-2013, Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT phê duyệt cấp 44 phôi bằng cử nhân tốt nghiệp cho SV khóa I (năm 2009) của trường. Tuy nhiên, rất có thể khóa học này có nhiều trường hợp đầu vào năm học này bằng giấy tờ giả (năm học 2009 này trường tuyển được 61 SV). Trong khi đó, năm 2012, trường tuyển thực được 70 SV và năm 2013 được 11 SV.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)