Hội nhậpGiáo dục phát triển

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Phấn đấu thành ĐH chất lượng cao của khu vực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Là một trường đại học đa ngành có truyền thống đào tạo về thực phẩm và công nghệ, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (gọi tắt là HUFI) không chỉ là một trường ĐH có tầm quan trọng khu vực phía Nam mà còn của cả nước.
Từng bước khẳng định thương hiệu
Chỉ mới trở thành trường ĐH hơn 5 năm qua (được nâng cấp lên từ trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM từ năm 2010) nhưng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã nhanh chóng tạo được thương hiệu, uy tín nhờ chất lượng đào tạo ngày một nâng cao, cũng như sự quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của sinh viên (SV) nhà trường.
Hiện trường có 3 cơ sở đào tạo tại TP.HCM và Trà Vinh. Trong đó, cơ sở chính của trường có diện tích 11.000 m2, tọa lạc tại 140 Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM với qui mô 73 phòng học, 2 giảng đường (sức chứa 500 chỗ), 27 phòng làm việc, 1 thư viện, 24 phòng thực hành tin học với 857 máy vi tính, 2 phòng thực hành môn Vật lý, 1 phòng phát thanh, Căn tin…;  Cơ sở 2 có diện tích gần 5.000 m2 tại Tân Kỳ Tân Quý, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM với 21 phòng thí nghiệm, 5 phòng thực nghiệm (hóa  thực phẩm, môi trường, sinh học và thủy sản). Hiện tại, cơ sở này đang xây dựng mới với quy mô 8 tầng để trở thành trung tâm thí nghiệm thực hành. Ngoài ra, Trường còn có cơ sở thực nghiệm tại tỉnh Trà Vinh với diện tích 15 ha phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng năm, trường có khả năng đào tạo trên 15.000 SV với hơn 20 ngành theo hướng công nghệ, kế toán, quản trị kinh doanh, thương mại và du lịch. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, trong những năm gần đây, nhà trường đã qui tụ được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ, có năng lực chuyên môn, có khả năng sư phạm tốt, đó chính là nguồn lực tiềm năng để bổ sung vào đội ngũ sư phạm những người giỏi, tâm huyết, yêu nghề và là đội ngũ nòng cốt cho quá trình phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Hiện đội ngũ giảng viên của trường có trình độ thạc sỹ chiếm hơn 70%. Ngoài ra, Trường còn có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng với gần 200 người có trình độ cao và kinh nghiệm đến từ các trường đại học trong, ngoài nước, viện nghiên cứu và công ty, nhà máy…
Lấy sinh viên làm trung tâm
Năm 2013, trường đưa vào sử dụng khu ký túc xá (KTX) SV rộng gần 1.300 m2, cao 9 tầng gồm 96 phòng với sức chứa 8-10 SV/phòng, chỉ cách cơ sở đào tạo chính 1 km lại khá tiện nghi đã cho thấy chính sách lấy SV làm trung tâm của nhà trường trong các hoạt động. PGS.TS. Đặng Vũ Ngoạn – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Với KTX này, công tác quản lý SV của trường không những được thực hiện tốt hơn, tạo cho các SV có được sinh hoạt nề nếp, ổn định ngay từ khi mới bước chân vào ĐH, phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của SV, góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình nghèo có con em học tại trường mà còn là nơi giúp cho các sinh hoạt xã hội của SV thuận lợi hơn. Các em sẽ có điều kiện giao lưu, trao đổi kiến thức, văn hóa tốt hơn khi được sống, học tập cùng nhau”. Song song với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà trường còn xây dựng và duy trì đội ngũ giảng viên cố vấn để giúp đỡ, tư vấn cho SV về các vấn đề liên quan đến sinh hoạt, học tập và thực hiện các quy định, quy chế liên quan đến SV; phân công cán bộ chuyên trách về tư vấn pháp lý, tâm lý, xã hội và hướng dẫn SV chấp hành các quy định của pháp luật, các nội quy, quy chế của trường; phân công cán bộ giám sát thường xuyên để nắm bắt tình hình ANTT tại các khu nhà lớp học; có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý SV ngoại trú, triển khai cho SV thực hiện việc kê khai nơi cư trú; Xây dựng kế hoạch phối hợp với các khu nhà trọ có SV trường lưu trú để kịp thời trao đổi thông tin, góp phần ổn định ANTT trên địa bàn, đồng thời ký giao ước bảo đảm ANTT và môi trường với chính quyền địa phương nơi trường trú đóng. Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà trường cũng đã triển khai và thực hiện trợ cấp hàng năm cho SV mồ côi, khuyết tật, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích trong học tập và rèn luyện tại trường tăng 300% so với mức cũ; trợ cấp khuyến khích hoạt động của BCS lớp với số tiền hơn 630 triệu trong năm qua; hàng năm còn tổ chức hoạt động mừng Xuân cho SV HUFI không có điều kiện về quê ăn Tết nhằm góp phần làm giảm áp lực tâm lý, hỗ trợ tinh thần giúp SV hòa nhập, thoải mái trong những ngày Tết cổ truyền xa gia đình.
Để ổn định sức khoẻ cho SV, nhà trường cũng tăng cường công tác y tế dự phòng, khám sức khoẻ định kỳ kết hợp với chăm sóc nhãn khoa, nha khoa cho SV các khóa theo kế hoạch y tế học đường; triển khai hiệu quả công tác BHYT-BHTN cho SV; Xây dựng dữ liệu về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho SV trong toàn bộ khóa học cũng như đảm bảo việc thực hiện chế độ BHYT cho SV khi đăng ký nơi KCB ban đầu.
Ngoài ra, việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp là vấn đề mà SV và nhà trường đều quan tâm, do đó để góp phần giảm tình trạng thất nghiệp đối với SV chuẩn bị tốt nghiệp, nhà trường thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp cho SV, tổ chức các hội thảo tư vấn việc làm để SV năm cuối dễ tiếp cận doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp đăng tải thông tin tuyển dụng trên bảng tin, website Trường, Facebook của phòng…; tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu hàng ngàn lượt SV làm việc bán thời gian, hàng trăm lượt SV dự tuyển dụng theo yêu cầu doanh nghiệp… Đồng thời tổ chức Hội nghị đối thoại với đại diện SV thường niên nhằm nắm bắt tình hình về công tác đào tạo và đề ra phương hướng giải quyết hiệu quả, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, tinh thần học tập và môi trường giáo dục thân thiện trong nhà trường. Mặt khác, trường cũng tăng cường tìm kiếm các mối quan hệ, các nguồn tài trợ học bổng từ các doanh nghiệp, tập đoàn… để tạo điều kiện, cơ hội cho SV có kết quả  học tập Xuất sắc thuộc Trường tiếp cận cac nguồn học bổng này như: Trung tâm Hỗ trợ HSSV Thành phố, Truyền hình Thanh niên và Đoàn Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, Lotte Scholarship Foundation, Cty May Việt Tiến, Tập đoàn Sơn KOVA, Báo Tuổi trẻ, Đoàn Khối DNCNTW tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam TP. HCM…
Đa dạng các hoạt động cho SV
“Ươm mầm” là hội thi học thuật mang thương hiệu của Khoa Công nghệ sinh học & Kỹ thuật môi trường của HUFI đã bước vào năm thứ 4, không chỉ có SV của trường tham gia mà còn thu hút SV các trường bạn như: ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Hoa Sen, THPT Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP. HCM… và đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các thí sinh.
Bên cạnh những hội thi, hội thảo khoa học mang tính chuyên đề, học thuật, HUFI còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội mang nhiều ý nghĩa cho SV được duy trì hàng năm như: hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, ngày hội việc làm và lễ hội ẩm thực, lễ hội trăng rằm, vui đón Tết xa quê, thăm cán bộ hưu trí, ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa… Đặc biệt là chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” của SV HUFI trên các mặt trận được phân công từ Bình Phước, Đăknông, Đăklăk, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Trà Vinh… đã để lại những dấu ấn đầy sức sống của tuổi trẻ. Mỗi mùa chiến dịch lại ghi nhận những điều mới mẻ, đầy sức sáng tạo của đoàn viên thanh niên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mỗi bạn trẻ tự thấy mình trưởng thành hơn từ những ngày được sống, lao động với người dân địa phương. Bài học về thực tế có sức thuyết phục hơn sách vở, có buồn, vui, có cảm nhận sâu sắc về những hoàn cảnh, mảnh đời còn gian khó… từ đó chiêm nghiệm và trở thành động lực phấn đấu của bản thân.
Hoạt động tự chủ và định hướng đào tạo
Trải qua 34 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM từ một cơ sở bồi dưỡng cán bộ đã trở thành một trường ĐH hiện đại, là một trung tâm đào tạo có uy tín của thành phố và khu vực. Tuy nhiên, để theo kịp tốc độ phát triển của xã hội, nhất là với thế giới, HUFI phải không ngừng đổi mới đi lên. Theo đó, trong định hướng đào tạo của mình những năm tới, HUFI sẽ đẩy mạnh chương trình đào tạo gắn với kỹ năng tư duy logic và kỹ năng phản biện, đồng thời gắn với nhu cầu doanh nghiệp và xã hội, tăng cường kỹ năng thực hành cho SV; Sửa đổi chương trình cho phù hợp với thực tế như từ 142 tín chỉ giảm còn 125 tín chỉ (đối với các môn về công nghệ) và 120 tín chỉ (cho các môn về Kinh tế, Quản trị); Đẩy mạnh công tác tuyển sinh qua các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ SV trong quá trình đào tạo, tìm kiếm việc làm… Ngoài ra, trường còn liên kết đào tạo với nước ngoài theo hướng chuẩn hóa quốc tế, tăng cường khả năng tiếng Anh và ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý.
Ngoài ra, HUFI cũng đang áp dụng cơ chế hoạt động mới đã được Chính Phủ phê duyệt thí điểm giai đoạn 2015-2017 như: được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; Tự chủ xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; Được quyết định mở ngành, chuyên ngành trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội. Trường cũng được tự chủ quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo quy định, đáp ứng yêu cầu của xã hội và bảo đảm tính công khai, minh bạch; Được quyết định phương pháp giảng dạy, ngôn ngữ giảng dạy; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ; liên kết đào tạo với các tổ chức, cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài là các trường ĐH, các tổ chức đào tạo có uy tín trong khu vực, trên thế giới.
PV

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)