Hội nhậpGiáo dục phát triển

ĐH Công nghiệp TP.HCM: Xây dựng ĐH trọng điểm Quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đa ngành nghề của Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH) vừa được Bộ Công Thương lựa chọn để xây dựng thành trường Đại học trọng điểm quốc gia.

Sau 10 năm (24/12/2004 – 24/12/2014) được nâng cấp lên thành trường ĐH từ Trường CĐ Công Nghiệp IV, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tập trung mọi nguồn lực không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu một cơ sở giáo dục đại học uy tín và phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, có các công trình nghiên cứu đạt trình độ quốc gia và quốc tế. Đặc biệt là từ năm 2012 đếnnay, ĐH Công nghiệp TP.HCM đã có những chuyển biến mạnh mẽ, từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng đội ngũ giảng viên, phát triển cơ sở vật chất cho đến các hoạt động đoàn thể nhà trường… Chính những thành quả này đã tiếp tục làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nhà trường. Đặc biệt, phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp tiếp nhận, đánh giá cao, có thể thích ứng với thị trường lao động khắt khe trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Cải tiến mọi mặt
Công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo của nhà trường những năm gần đây có nhiều cải tiến như: Bố trí lại hệ thống máy chủ để tăng hiệu suất sử dụng; hoàn thiện phần mềm tuyển sinh; đưa vào sử dụng phần mềm đánh phách, ráp phách, nhập điểm thi tự luận; phần mềm in danh sách thi theo hình (chống thi hộ); phần mềm in Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (theo đúng ngành và chuyên ngành); phần mềm đăng ký xin cấp các loại giấy: miễn giảm học phí, đang học tại trường, giấy xác nhận vay vốn, ngành nghề độc hại và phần mềm chỉnh sửa thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trang web tuyển sinh đã có thông tin về ngành nghề đào tạo chi tiết hơn. Thông tin tuyển sinh của trường còn được đăng trên một số trang web, trên mặt sau của bản đồ thành phố, nhất là dùng phần mềm nhắn tin kết quả thi cho thí sinh qua điện thoại di động… Qua đó, tuy số lượng thí sinh dự thi năm 2013 có giảm theo tình hình chung nhưng điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung của trường vẫn cao hơn năm 2012. Số lượng sinh viên đăng ký vào các lớp chất lượng cao cũng nhiều hơn năm trước. Riêng năm 2014, chỉ tiêu ĐH của trường là 8.000, tăng hơn năm 2013 là 3.000 chỉ tiêu… Đây là một cơ hội lớn cho các bạn thí sinh muốn đăng ký dự thi vào trường năm nay.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã quan tâm hơn đến công tác quản lý đào tạo thông qua những đợt thanh tra đào tạo, kiểm tra chuyên môn, đưa công tác quản lý đào tạo vào nề nếp, quản lý kế hoạch giảng viên, theo dõi tiến độ lên lớp; hồ sơ, tài liệu giảng dạy cũng được quan tâm và việc dự giờ thăm lớp được triển khai thường xuyên trong các học kỳ. Mặt khác, nhà trường còn thiết lập hệ thống văn bản quản lý hồ sơ đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường. Xây dựng và ban hành đầy đủ các chương trình đào tạo đại học, hoàn chỉnh kiến thức từ cao đẳng lên đại học, đảm bảo cấu trúc hợp lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Nhà trường đã xây dựng hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ quản lý các cấp cho giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2021 theo đúng quy trình. Số lượng giảng viên trình độ từ thạc sĩ trở lên đều tăng so với năm trước, tuy nhiên tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của trường đại học (15%) nhưng hiện có 139 người (11,3%) đang đi học nghiên cứu sinh: trong đó nghiên cứu sinh trong nước: 77 người, đi học nước ngoài: 62 người sẽ là nguồn bổ sung đáng kể lực lượng giảng viên trình độ cao thời gian tới. Đội ngũ giảng viên tăng, cán bộ viên chức làm công tác quản lý giảm, đặc biệt bộ phận dịch vụ, phục vụ giảm mạnh cho thấy quyết tâm đổi mới về cơ cấu nhân sự trong năm qua của trường đạt được kết quả tốt, phù hợp với điều kiện nhà trường đang giảm về số lượng tuyển sinh.

Lễ ký kết hợp tác với đại học Liege (Bỉ)

Đạt giải cao ở các cuộc thi tay nghề trong, ngoài nước
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện có 3 cơ sở đào tạo chính đặt tại các trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội là TP. Hồ Chí Minh (Cơ sở chính), Quảng Ngãi và Thanh Hóa với gần 1.800 cán bộ, giảng viên, nhân viên cùng quy mô đào tạo trên 50.000 học sinh – sinh viên ở các bậc: Thạc sĩ, Đại học, Cao đẳng và Cao đẳng nghề. Trường có các ngành đào tạo như: Cơ khí, Điện, Điện tử, Động lực, Nhiệt – Lạnh, May – Thiết kế thời trang, Hóa học, Sinh học, Thực phẩm, Môi trường, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Thương mại, Du lịch. Trường có hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Không chỉ khối ngành Kỹ thuật, Công nghệ mà các ngành Kinh tế cũng có các phòng thực hành mô phỏng giúp sinh viên được làm quen với môi trường làm việc trên thực tế. Nhờ thế kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM sau khi tốt nghiệp được các đơn vị sử dụng lao động rất tin tưởng, đã trở thành thương hiệu có uy tín trong nhiều năm qua. Trường luôn đứng ở tốp đầu toàn quốc trong các kỳ thi tay nghề quốc gia và quốc tế. Cụ thể tại Hội thi tay nghề quốc gia 2014, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đoạt 9 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải khuyến khích; Tham gia cuộc thi học sinh giỏi nghề thế giới 2013 tại Lepzich (Cộng hòa liên bang Đức) Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM có 3 thí sinh tham gia, đạt được 01 chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới; Cuộc thi Olympic (OLP) Tin học sinh viên toàn quốc 2013 được tổ chức tại ĐH Duy Tân – Đà Nẵng, Trường có 18 SV tham gia và đạt thành tích 2 giải Ba khối SV Cao Đẳng, 2 giải khuyến khích khối SV chuyên tin. Tại hội thi tay nghề Bộ Công Thương đầu năm 2014, trường dự thi 11 nghề thì tất cả 11 nghề đều có giải với thành tích cao: 7 giải Nhất (Huy chương Vàng), 4 giải Nhì, 6 giải Ba và đứng nhất toàn đoàn.
Thế mạnh nghiên cứu khoa học
So với những năm trước, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của nhà trường thời gần đây đã có xu hướng đi vào chiều sâu và mang tính học thuật cao; điều đó ngày càng khẳng định xu thế phát triển của một trường ĐH. Điển hình là hội thảo khoa học có hàm lượng khoa học đẳng cấp quốc gia: Hội thảo khoa học “Vật liệu tiên tiến và ứng dụng” (AMA 2013) do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (IUH) phối hợp với Phân hội Hóa hữu cơ phía Nam tổ chức. Hội thảo đã tập trung 82 bài công bố công trình NCKH của các chuyên gia hàng đầu, các nhà khoa học về lĩnh vực vật liệu trong và ngoài nước và các giảng viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh của các viện nghiên cứu hóa học, vật liệu tham gia…

Lễ tốt nghiệp cao học

Lãnh đạo nhà trường đã xác định NCKH và chuyển giao công nghệ sẽ mang lại chất lượng cao trong đào tạo ĐH, SĐH và nâng cao vị thế của Nhà trường, nhất là trong định hướng phát triển Nhà trường thành trường đại học trọng điểm của Bộ Công Thương. Nhiều công trình khoa học của cán bộ giảng viên Nhà trường đã được thể hiện qua hơn 120 bài báo khoa học trong đó có gần 50 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế và Báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế. Đáng chú ý là trong hơn 120 bài báo khoa học nói trên có tới gần 90 bài được viết và đăng tải bằng tiếng Anh.
Xây dựng trường trọng điểm quốc gia
Tháng 8 năm 2013, Bộ Công Thương đã chọn Đại học Công nghiệp TP.HCM để xây dựng thành trường đại học trọng điểm và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, dự án xây dựng trường tại quận 12 đã được UBND TP.HCM chấp thuận về địa điểm tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 vào tháng 9/2013 có tổng diện tích hơn 25 ha với quy mô dự án dự kiến: 12.000 sinh viên. Nhà trường đang phấn đấu đến tháng 12/2015 giải quyết xong công tác đền bù và xây dựng 1/3 các hạng mục công trình để đưa vào sử dụng nhằm giảm bớt áp lực tại cơ sở chính.
Song song với việc xây dựng đầu tư cơ sở vật chất cho địa điểm mới, nhà trường cũng dần ổn định về tổ chức bộ máy, nhân sự tại các đơn vị trực thuộc và thực hiện các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành Công Thương.
Ngọc An

Bình luận (0)