Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐH Đà Nẵng cần “định vị” mình bằng chiến lược phát triển trọng điểm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là lưu ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐH Đà Nẵng ngày 19-3 về nội dung, nhiệm vụ, trọng tâm của ĐH Đà Nẵng năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án làng ĐH Đà Nẵng sau hơn 20 năm bị “treo”…


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm việc với ĐH Đà Nẵng

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, trong năm qua, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng, đề án thành lập Trường ĐH Quốc tế, trình Bộ GD-ĐT; Thành lập, đưa vào hoạt động Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh và một số viện, khoa, trung tâm trực thuộc; Thực hiện lộ trình Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng ủy theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương; Ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý theo phân cấp, phân quyền của ĐH vùng, từ đó để các trường ĐH thành viên xây dựng, ban hành chiến lược phát triển…

Trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, ĐH Đà Nẵng tiếp tục có mùa tuyển sinh ĐH thành công; tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy-học; đẩy mạnh giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo. Thêm 7 chương trình kiểm định trong nước, quốc tế, trong đó 4 chương trình đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA), nâng tổng số chương trình kiểm định, đạt chuẩn quốc gia, quốc tế lên 34 với 28 chương trình đạt chuẩn quốc tế; Nhiều năm liền trong Top hàng đầu các trường ĐH Việt Nam, Top 450-500 ĐH tốt nhất châu Á… Đặc biệt có nhiều sản phẩm KHCN hữu ích được sáng chế, chuyển giao ứng dụng kịp thời hỗ trợ phòng chống dịch, được đánh giá cao…

Về Dự án Làng ĐH Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, phần đất thuộc địa phận Quảng Nam rộng 190 ha, mật độ dân cư dày đặc. Chỉ tính riêng chi phí đền bù là hơn 2.000 tỉ đồng. Tại các cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét phương án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án như cách triển khai của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có chủ trương thống nhất về phương án bố trí tái định cư. 

Về vấn đề này, kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với Dự án Làng ĐH Đà Nẵng không thể treo lâu hơn nữa. Vì vậy, nếu đã quan tâm thì cần quan tâm hơn nữa, đã ráo riết thì ráo riết hơn nữa. Để càng lâu thì sự lãng phí càng lớn. TP.Đà Nẵng đã xem sự phát triển của ĐH Đà Nẵng là một phần của thành phố, đây là một sự thuận lợi nhưng đồng thời cũng là một thách thức. Chúng ta không chỉ xây cơ sở đại học ở chỗ mới, cốt sao cho có tòa nhà mọc lên mà phải đầu tư một khu đô thị đại học hiện đại, thông minh và đẳng cấp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cần chú trọng 3 trụ cột trong chiến lược phát triển thành ĐH quốc gia: Nghiên cứu khoa học – công nghệ; Tái cơ cấu ngành nghề; Xây dựng đội ngũ các chuyên gia đầu ngành.


Quang cảnh buổi làm việc

Sức mạnh của ĐH trước hết là sức mạnh tiềm lực khoa học công nghệ. Vì vậy cần có các chương trình, kế hoạch đủ lớn và lâu dài. Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học cần tiếp tục khắc phục khó khăn, phát triển tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất và các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ lớn. Cần tập trung hình thành, phát triển đội ngũ chuyên gia trong từng ngành, lĩnh vực; đủ năng lực tư vấn, đề xuất, giải quyết các vấn đề cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Muốn như vậy, cần tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhà khoa học hội nhập sâu rộng với các hoạt động học thuật, nghiên cứu, thể hiện uy tín, ảnh hưởng quốc tế.

Về đào tạo, ĐH Đà Nẵng cần hướng đến chất lượng quốc tế để khẳng định vị thế, trong đó có chất lượng quy mô đào tạo sau ĐH, đào tạo tài năng, nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, sư phạm – khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, từ đó quy hoạch định hướng phát triển ngành nghề phù hợp. Với lĩnh vực công nghệ cao, các trường thành viên phải tính đến nhân lực công nghệ cho ít nhất là 10 năm tới để giải quyết nhân lực cho đất nước trong thời gian sắp tới. Đầu tư có trọng điểm, không nên dàn trải.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)