M.sinh viên (SV) năm đầu Trường ĐH Điện lực sững người khi nhận tin trường tăng học phí từ 180.000 đồng lên 500.000 đồng mỗi tháng năm học 2008-2009 nhưng không được nhận giải thích thỏa đáng. Không chỉ M, nhiều SV khóa 1, 2, 3 của trường đều chung bức xúc. Nhà trường có tăng học phí “vô tội vạ“? Chiều 21/11, chúng tôi đem thắc mắc tới lãnh đạo nhà trường.
Trường tự “bơi”, HS lãnh đủ!
Trong đơn gửi đến VietNamNet, một số SV khoá 1 – hiện đang theo học năm thứ 3 – ngoài mức học phí 180.000 đồng mỗi tháng, số tiền “ủng hộ thí nghiệm”, “hỗ trợ thực hành” tăng dần theo mỗi năm.
Năm đầu, các em chỉ phải đóng 300.000 đồng tiền ủng hộ thí nghiệm. Sang năm thứ 2, ở học kỳ 1, các em phải đóng thêm 120.000 đồng mỗi tháng tiền kinh phí hỗ trợ thực hành. Đến học kỳ 2, số tiền này tăng lên 180.000 đồng.
Điều đáng nói là “đã nhiều lần kiến nghị với nhà trường qua diễn đàn cũng như mục hỏi đáp trên web của trường, nhưng chỉ nhận được câu trả lời sơ sài và nói SV nào có vướng mắc thì lên gặp trực tiếp phòng Đào tạo để tìm biện pháp giải quyết!?”.
Sáng 21/11, trao đổi với VietNamNet, nhiều SV các khoá 1, 2, 3 đều cho rằng “tăng học phí như vậy là quá cao. Nhiều lúc muốn hỏi nhưng không biết hỏi ai. Trong phiếu thu phát cho SV trường chỉ nói khoản thu thêm 320.000 đồng/tháng/SV để hỗ trợ kinh phí đào tạo”.
Được “bật đèn xanh”?
“Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa các đơn vị thuộc EVN Việt Nam giai đoạn 2007-2008, các cơ sở đào tạo trực thuộc EVN đang trong quá trình thí điểm cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Bộ Tài chính nhất trí với đề nghị của EVN về việc điều chỉnh mức thu học phí đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc EVN theo nguyên tắc mức thu học phí đủ bù đắp chi phí thường xuyên…Đề nghị EVN thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người học về miễn giảm học phí theo quy định hiện hành. (Trích công văn Bộ Tài chính gửi EVN ký ngày 26/9/2007) |
Trao đổi với VietNamNet chiều 21/11, ông Đàm Xuân Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận “năm nào, trường cũng tăng học phí từ 5-10%. Cụ thể, năm 2007 mức học phí của trường đã tăng gần gấp đôi (350.000 đồng/SV/tháng). Mức học phí năm 2008 tăng lên 500.000 đồng/SV/tháng (180.000 tiền học phí và 320.000 tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo)”
Ông Hiệp giải thích l
ý do tăng học phí: ĐH Điện lực là trường công nhưng thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) – hoạt động theo cơ chế “trường thuộc doanh nghiệp” nên những chi phí cho 1 trường công lập thì ĐH Điện lực không có.
Ông Hiệp nhẩm tính, trước đây, tổng thu ngân sách của trường 1 năm được khoảng 30 tỷ thì ½ nhận từ ngân sách nhà nước. Trong đó, trích từ 10-15% từ tổng thu để thực hiện miễn giảm cho gần 6.000 đối tượng SV diện khó khăn.
“Hai năm nay (2007 và 2008) trường đã không được nhận kinh phí chi thường xuyên. Khi không được cấp kinh phí mà vẫn phải duy trì tất cả những hoạt động đảm bảo như trường công thì rõ ràng người học sẽ phải gánh thêm chi phí với nhà trường!” – ông Hiệp quả quyết.
Tuy nhiên, khi hỏi “tăng học phí lên 3 lần như vậy thì SV sẽ được thêm những quyền lợi gì?” – ông Hiệp tỏ ra không chắc chắn “thu thêm 320.000 đồng là chủ yếu phục vụ các em. Tăng cũng gây khó khăn cho SV, nhưng không còn cách nào khác.”
Khi biết thông tin ĐH Điện lực tăng học phí, Bộ GD-ĐT đã chất vấn trường. Ông Hiệp cho rằng, “thật may” vì Bộ Tài chính đã cho phép được thu kinh phí để đủ bù chi” (theo công văn số 12914/BTC-HCSN).
Theo phân tích của ông Hiệp, nếu thu đủ ở thời điểm này, mỗi SV sẽ phải đóng cỡ 1 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, trường xác định không thể thu quá cao, SV sẽ sốc, gia đình không đáp ứng sẽ bỏ học hết. Do vậy, nhà trường đã cân nhắc nên chỉ tăng ở mức độ vừa phải (500.000 đồng/SV/tháng) và tăng từ từ.
Tăng tiền hỗ trợ vẫn chưa đủ mua máy chiếu?
Mức thu mà ĐH Điện lực áp dụng từ năm học 2008-2009: – Hệ ĐH chính quy: 180.000 học phí + 320.000 đồng hỗ trợ kinh phí đào tạo/SV/tháng. – Hệ CĐ chính quy: 150.000 học phí + 200.000 đồng tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo/ SV/tháng. – Hệ trung học chính quy: 100.000 học phí + 200.000 đồng hỗ trợ kinh phí đào tạo/ học viên/ tháng. |
Tuy nhiên, thắc mắc của SV thì chưa được giải đáp thoả đáng. Theo phản ánh của SV, nhiều lúc lên làm thí nghiệm vì quá đông nên SV chỉ lên ngó chứ không thể sờ vào. Các em có phản đối cũng như “muối bỏ bể”.
Ông Hiệp cũng thú nhận, dù đã tăng thu, nhưng trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng.
Đã có SV nêu ý kiến ”đáng ra, mỗi phòng học phải có 1 máy chiếu”. Nhưng tôi đã phải trả lời “thầy rất muốn phục vụ tốt các em nhưng máy chiếu nhà trường không được nhà nước cấp. Mà tiền các em đóng 500.000 đồng/SV cũng không đủ để mua máy chiếu.” Vì thực tế, thực tập máy điện là phải quấn dây nên phải mua dây điện, lõi thép, điện...
Vẫn theo ông Hiệp, Bộ GD-ĐT vẫn phê duyệt chỉ tiêu cho trường hàng năm nhưng đã không cấp kinh phí từ nhiều năm nay. Còn EVN trước đây có cấp, nhưng 2 năm trở lại đây thì không cấp ngân sách chi thường xuyên nữa. Cả 2 “cửa” đó đều không có nên SV phải gánh.
Tăng học phí được lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhìn nhận là vấn đề nhạy cảm. Bất kỳ một động thái tăng “nhỏ” cũng phải có sự đồng thuận. Theo lý giải của hiệu trưởng, mỗi lần tăng học phí, trường đều có thông báo cho SV trước 1 kỳ. Nhưng thông báo không kèm giải thích thỏa đáng, dẫn đến đẩy SV vào chuyện đã rồi. Trong khi, Ban Giám hiệu nhà trường không thể trả lời chung chung SV “tăng để hỗ trợ kinh phí đào tạo” khi tăng học phí gần gấp 3 lần như hiện nay nhưng câu trả lời cho vấn đề “chất lượng đào tạo đã tăng hay chưa” vẫn còn bỏ ngỏ.
Tùng Linh
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)