Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

ĐH Hồng Đức: Hàng trăm SV hoang mang vì ngành học bị đổi tên

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm sinh viên của nhiều ngành học tại Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lo lắng về cách ghi trong bằng tốt nghiệp không đúng với những chuyên ngành được đào tạo. Điều này sẽ gây khó khăn cho SV khi xin việc.

Theo phản ánh của sinh viên (SV) Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐH Hồng Đức, hiện việc học tập của hàng trăm SV đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo lắng sau khi tốt nghiệp sẽ khó xin được việc làm do những cách ghi trên bằng ĐH so với chuyên ngành mà SV được đào tạo.
Tên ngành học được ghi trong quyển Những điều cần biết.
Nhiều SV cho biết khi đọc cuốn “Những điều cần biết” đoạn ghi về trường ĐH Hồng Đức có ghi ngành Tâm lý học (Quản trị nhân sự), của Bộ GD-ĐT xuất bản năm 2007 – 2008 và năm 2009 đã đăng ký thi vào ngành này.
Tuy nhiên khi vào trường học, nhà trường cho biết chỉ cấp bằng cho SV là bằng Cử nhân Tâm lý học chứ không phải là bằng Tâm lý học – Quản trị nhân sự. Trước vấn đề trên, nhiều SV đã gửi thắc mắc lên trường. Sau nhiều lần đối thoại với Ban giám hiệu nhà trường về vấn đề này thì SV được nhà trường trả lời rằng: Bộ GD-ĐT không cho ghi vào bằng tốt nghiệp là cử nhân Tâm lý học – Quản trị nhân sự.
Sau những thắc mắc này của SV, trong quyển “Những điều cần biết” các năm sau được sửa thành ngành Tâm lý học (Định hướng Quản trị nhân sự). Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp thì vẫn giữ nguyên dòng chữ Cử nhân Tâm lý học và chỉ được ghi trong bảng điểm là Tâm lý học (Định hướng Quản trị nhân sự).
Trong khi đó, tất cả các học phần của SV đều vận dụng vào công tác quản trị nhân sự, ví dụ như một số học phần: Tiền công tiền lương, nguồn nhân lực, quản trị nhân lực, tâm lý học quản lý, tâm lý học lao động, luật lao động, kế hoạch hóa nguồn nhân lực, hành vi tổ chức, khoa học quản lý ….
Và tất cả các học phần Tâm lý nhằm giải quyết những mối quan hệ của con người trong vấn đề tổ chức nguồn nhân lực. Với những học phần như trên, sinh viên nghĩ rằng khi ra trường sẽ được cấp bằng cử nhân Tâm lý học – Quản trị nhân sự.
Hiện tại, 100 SV K10, Khóa học 2007 – 2011 của Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, sắp ra trường chỉ được cấp bằng cử nhân Tâm lý học. Với tấm bằng như vậy sẽ gây khó cho SV khi tuyển dụng.
Hiện nay các nhà tuyển dụng vẫn chưa hiểu rõ về chuyên ngành Tâm lý học (Quản trị nhân sự) của những SV đang theo học tại Trường ĐH Hồng Đức. Thường khi tiếp nhận hồ sơ của SV, nhà tuyển dụng căn cứ vào bằng tốt nghiệp chứ ít khi quan tâm đến bảng điểm và nhiều SV không biết giải thích với nhà tuyển dụng thế nào.
Theo Mục 2, Điều 2, tại Quyết định số: 52/2002/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT năm 2002, quy định, nếu học theo phương thức giáo dục nào thì trên văn bằng có ghi hình thức học tập tương ứng.
Không chỉ SV Bộ môn Tâm lý – Giáo dục mà tại Trường ĐH Hồng Đức, hàng trăm SV các ngành Địa lý quản lý tài nguyên môi trường, Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch) cũng có chung những tâm lý hoang mang lo lắng như trên.
Bạn Lê Thị Lan, SV ngành Địa lý (Chuyên ngành Địa lý du lịch), tốt nghiệp năm 2010 bức xúc: “Lúc đầu đăng ký thi vào em thấy ghi ngành Địa lý (Chuyên ngành địa lý du lịch), nên em đã đăng ký thi vì em thích làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng nào ngờ khi ra trường trên bằng chỉ ghi là Cử nhân Địa lý, bọn em gặp nhiều khó khăn lắm, khi đi xin việc họ chả biết ngành đó là ngành gì. Bọn em ra trường thất nghiệp rất nhiều, đúng là chán đời. Trong khi đó nhiều trường khác có chuyên ngành về du lịch hẳn hoi nên chúng em khó cạnh tranh với họ. Em ra trường đã được một năm rồi mà vẫn chưa xin được việc làm vì mỗi lần cầm bằng đi đến các công ty du lịch thì họ bảo không nhận ngành Địa lý, em có giải thích nhưng cũng không ăn thua”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: “Khoa chúng tôi có đào tạo ngành Địa lý (Quản lý tài nguyên môi trường), cấp bằng cử nhân Địa lý, còn trong bảng điểm được phép ghi cụ thể. Quản lý tài nguyên môi trường chưa được coi là chuyên ngành mà chỉ được coi là kiến thức định hướng nghề nghiệp nên nhiều SV lầm tưởng là chuyên ngành. Mới chỉ có 16/132 tín chỉ về lý thuyết chưa được coi là chuyên ngành nên không được ghi vào bằng. Khoa và trường chưa đủ năng lực để cấp bằng Địa lý quản lý tài nguyên môi trường. Hiện khoa đã đào tạo 4 khóa khoảng 320 sinh viên, đã có một khóa tốt nghiệp ra trường”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Trưởng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, giải thích: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bằng chỉ được ghi ngành chứ không ghi chuyên ngành. Còn việc ghi như trong những điều cần biết chỉ là giải thích thêm, định hướng. Đối với ngành Tâm lý học của trường mục tiêu là làm công tác tổ chức cán bộ, quản trị nhân sự. Rất nhiều trường lớn làm như thế. Chúng tôi chưa bao giờ đăng Quản trị nhân sự lên trước, cái nào lên trước thì cái đó quan trọng. Kể cả ngành Việt Nam học chúng tôi cũng ghi định hướng.
Cái tâm lý lo lắng này của SV lặp đi lặp lại nhiều năm nay rồi. Chúng tôi giao khoa Tâm lý giải quyết. Chúng tôi cũng lấy ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, có những ý kiến thiện cảm và tất nhiên cũng có những ý kiến thiếu thiện cảm, nhưng trường làm đúng quy định của Bộ. Chúng tôi cũng đã có công văn xin ghi cụ thể vào bằng nhưng Bộ không đồng ý. Nhà trường thương SV lắm nên mới nghĩ ra cái đuôi như thế. Bộ quy định đào tạo ngành gì thì ghi như thế. Vấn đề này không chỉ riêng Trường ĐH Hồng Đức”.

Trước vấn đề nêu trên, nhà trường cũng như SV chưa tìm được tiếng nói chung, và trên hết là vấn đề việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Dư luận trong giới SV đang theo học các ngành nêu trên đang đặt ra câu hỏi liệu trường ĐH Hồng Đức có phải tuyển sinh theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó?".
Duy Tuyên
(Dân trí) 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)