Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

ĐH không phải con đường duy nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Ban tư vấn đang giải đáp thắc mắc của thí sinh tại Đồng Nai
Đậu ĐH, CĐ là niềm mơ ước của bao thí sinh, tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện được điều này.
Dù chưa đạt được điểm sàn do Bộ GD-ĐT qui định nhưng các thí sinh hãy an tâm, vì cơ hội vào đời vẫn còn rất nhiều thông qua các bậc học như CĐ nghề, TCCN và TC nghề. Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM – đã chia sẻ với các em thí sinh tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai và Bình Phước tổ chức vừa qua.
Đồng Nai: Cần 90.000 lao động mỗi năm
“Năm 2013 và các năm tới, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai bình quân cần 90.000 người/năm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng đòi hỏi lao động kỹ thuật cao, vì vậy, cơ hội việc làm cho những người tốt nghiệp các ngành như: Cơ khí, điện tử, chế tạo máy… sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Nai đã có sự thay đổi rất lớn cả về số lượng và chất lượng, lực lượng lao động tăng bình quân giai đoạn 2006-2011 là 5%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng dân số chung. Số lao động chất lượng cao tăng lên nhanh chóng, được thể hiện ở trình độ đào tạo, lĩnh vực làm việc… Số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng chiếm tới 91%, riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gần 430.000 người. Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết. Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên tư vấn tuyển sinh (Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) – cho biết thêm: “Trong giai đoạn từ  2010-2015, Đồng Nai tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu của tỉnh còn thiếu, gồm: Công nghệ sinh học, tin học, viễn thông, y tế, vật liệu mới, dịch vụ, du lịch… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh rất cần một đội ngũ người lao động có trình độ TCCN, TC nghề trở lên “giỏi chuyên môn – vững tay nghề” với mức lương cao và công việc ổn định. Do đó, tự tin đăng kí xét tuyển vào học các trường nghề là một quyết định đúng đắn mà phụ huynh và học sinh cần quan tâm…”.
“Ước mơ được trở thành đầu bếp, làm việc trong các khách sạn 4-5 sao hoặc tự tổ chức kinh doanh ẩm thực với mức thu nhập cao không còn là điều xa vời đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, để trở thành một đầu bếp thực thụ, không chỉ cần sự đào tạo bài bản mà còn phải có lòng đam mê và sáng tạo không ngừng nghỉ. Vì vậy, các em cần có một môi trường học tập tốt để được phát huy các thế mạnh của mình”, bà Trần Thị Như Quỳnh – Trưởng bộ phận tư vấn Trường TC Nghề Việt Giao – nói.
Ngành nghề đa dạng
Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Đào tạo nghề hiện được chia theo 3 cấp độ: Sơ cấp nghề, TC nghề và CĐ nghề. Theo đó, sơ cấp nghề thường được đào tạo từ 3 tháng đến 1 năm; TC nghề thời gian đào tạo kéo dài từ 1-2 năm; chương trình đào tạo CĐ nghề được thực hiện từ 2-3 năm. Số lượng các ngành nghề khá phong phú, đa dạng với trên 400 nghề khác nhau để người học lựa chọn dựa vào sở trường, năng lực của bản thân.
Đặc biệt, cơ hội nghề nghiệp cho những người học nghề luôn mở rộng. “Đối với ngành thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, dù trường đã đào tạo trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ cung ứng đủ nhân lực cho thị trường lao động. Những năm gần đây, có nhiều công ty gia công phim cho nước ngoài được thành lập, họ đang “khát” nhân lực để đầu tư cho ngành này. Đây là cơ hội cho các học viên đam mê mỹ thuật và công nghệ”, ông Nguyễn Duy Thơ – Giám đốc Trung tâm Đào tạo mỹ thuật ứng dụng và đa phương tiện MaacViet Arena – cho biết.
“Để thu hút học viên đến với trường nghề, các trường phải luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng như đảm bảo cơ sở vật chất thật tốt… Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp theo hình thức “đơn đặt hàng” về nhân lực đã tạo điều kiện tốt cho học viên được thực hành, tích lũy kinh nghiệm…”, bà Trần Thị Thúy Hằng – Phó hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – chia sẻ. Trong khi đó, ThS. Nguyễn Đình Bá – Phó hiệu trưởng Trường TC Quang Trung – cho biết: “Muốn chen chân vào thị trường lao động, trong thời gian học tập các học viên phải rèn luyện tiếng Anh và kỹ năng làm việc nhóm. Làm được điều này, các em sẽ không lo thất nghiệp khi tốt nghiệp ra trường”.
Bài, ảnh: Quang Huy
Giúp hàng ngàn thí sinh lựa chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích
Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM – cho biết: “Chúng ta đều biết rằng sau 12 năm đèn sách, ước mơ vào ĐH của các em học sinh là hoàn toàn chính đáng. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 vừa qua, số lượng thí sinh dự thi thì nhiều nhưng chỉ tiêu vào các trường ĐH, CĐ có hạn, vì vậy có rất nhiều em không đậu. Thế nhưng, các em vẫn còn rất nhiều cơ hội để theo đuổi con đường học tập của mình. Nhằm giúp thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn có cơ hội vào các trường CĐ nghề, TCCN và TC nghề, Báo Giáo Dục TP.HCM đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Vĩnh Long, Long An tổ chức chương trình tư vấn xét tuyển vào các trường TC năm 2013 với chủ đề “Cùng bạn quyết định tương lai”. Qua 4 buổi tổ chức tại 4 địa phương nói trên, Ban tư vấn (gồm chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, đại diện các trường TC…) đã giúp cho hàng ngàn lượt thí sinh lựa chọn cho mình một ngôi trường phù hợp với năng lực, sở thích và niềm đam mê để theo học. Đồng thời chương trình cũng đã góp phần cùng ngành giáo dục và xã hội thực hiện tốt chỉ thị 10 của Bộ Chính trị về việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)