Trong chương trình hành động để triển khai 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị được ĐH Kinh tế TP.HCM thiết kế có việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

ĐH Kinh tế TP.HCM vừa công bố chương trình hành động triển khai 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị. Đây là những nghị quyết có tính đột phá và mang tầm chiến lược; định hình mô hình phát triển mới cho quốc gia đến năm 2035, tầm nhìn 2045.
4 nghị quyết trọng điểm này là: Nghị quyết số 57/2024 về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo lãnh đạo ĐH Kinh tế TP.HCM, việc hiện thực hóa các nghị quyết trọng yếu này đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể. Trong đó, ĐH chính là nhân tố trung tâm; là nơi kiến tạo tri thức, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng trong nước và quốc tế cùng thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững.

GS.TS Sử Đình Thành (Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết, ĐH này đã chủ động thiết kế chương trình hành động triển khai 4 nghị quyết dựa theo 3 trụ cột hành động chủ đạo.
Thứ nhất là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tập trung triển khai các chương trình E-MBA chuyên sâu cho các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; tổ chức những khóa đào tạo giám đốc điều hành, chương trình tập huấn lãnh đạo địa phương. Đồng thời, triển khai mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng có sự tham gia của doanh nghiệp trong thiết kế, giảng dạy và đánh giá.
Thứ hai là nghiên cứu khoa học. ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nghiên cứu mở để phục vụ triển khai các nghị quyết; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, thể chế, pháp luật; triển khai các đề tài cấp quốc gia và cấp địa phương về cụm ngành công nghệ cao, thành phố thông minh, năng lực số.
Thứ ba là tư vấn, phát triển, liên kết. ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ đẩy mạnh tư vấn chính sách cải cách thể chế cho các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương; hỗ trợ xây dựng mô hình chính sách thử nghiệm kinh tế số, tư vấn cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu vùng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
ĐH này cũng mở rộng khai thác mạng lưới gắn kết toàn cầu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn theo chuẩn mực quốc tế để thực hiện chương trình.
Và nhằm triển khai hiệu quả chương trình này, ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước phối hợp chiến lược trong việc đặt hàng, triển khai các chương trình nghiên cứu, đào tạo, tư vấn phù hợp với từng nghị quyết.
M.Tâm
Bình luận (0)